Theo BQL, trước đây san hô cứng trong rạn san hô Cù Lao Chàm có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái vùng rạn và nguồn lợi thủy sản.
Từ tháng 4/2012 đến nay, chuyên gia Viện HDH đã đào tạo cho cán bộ BQL phương pháp nhận diện và phục hồi tổn thương san hô cứng bằng các kỹ thuật tách tập đoàn “bố mẹ” tại vùng cho, nuôi cấy tập đoàn “con” tại vùng nhận, bảo quản và kiểm tra độ tăng trưởng…
Qua khảo sát, BQL và Viện HDH nhận định vùng biển Bao Gạo (Hòn Lá) và Vũng Nhàn (Hòn Lao) có mật độ san hô cứng ở nền đáy lớn và nguyên vẹn, xa khu dân cư nên được chọn làm vùng cho.
Các chuyên gia đã lấy 3 giống san hô cứng khu vực này là Acropora (san hô sừng hươu), Montipora (san hô lá) và Pachyseric (san hô dạng phiến) sau đó đưa vào khu vực vườn ươm ở phía tây Hòn Tai và Rạn Mè.
Riêng Pachyseric (san hô dạng phiến) được chọn số lượng nhiều hơn nhờ mật độ bao phủ rộng, khả năng phục hồi tốt.
Tính đến thời điểm hiện nay, chương trình đã nuôi cấy được 4.800 tập đoàn tại vùng nhận là Bãi Tra và Bãi Bắc (Hòn Lao), còn ở vườn ươm hiện nuôi cấy 30 khung (750 tập đoàn).
Nhờ điều kiện thời tiết năm qua ở cả 2 đợt thực hiện mùa khô và mùa đông ổn định, mặt nước yên, tầm nhìn tốt nên san hô có khả năng phục hồi sớm, hiện khu vực vườn ươm, san hô cứng đạt tỉ lệ sống 87%, san hô cứng vùng phục hồi đạt tỉ lệ sống 74%.
Nguyễn Tú/Thanh Niên, 09/01/2013
0 nhận xét:
Post a Comment