Test Footer 2

Nghiên cứu đặc điểm biến động mực nước biển trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện đại

Mực nước đại dương (MNĐD) đã trải qua nhiều đợt biến động mạnh, như trong thời kỳ băng hà gần đây nhất (khoảng 18.000 năm trước) MNĐD thấp hơn bây giờ là 120m, còn vào thời kỳ nhiệt độ Trái đất tăng lên, cách đây 8000 năm, thì MNĐD đã cao hơn bây giờ là 6m. Theo các dữ liệu nghiên cứu thì MNĐD đã tăng 20cm trong thế kỷ XX, trung bình mỗi năm tăng 2mm. Mỗi năm có khoảng 8 mm nước từ toàn bộ bề mặt đại dương rơi xuống châu Nam Cực và đảo Greenland dưới dạng tuyết. Nếu không có băng tan thì mỗi năm mặt nước biển sẽ tụt xuống 8 mm. Nếu toàn bộ băng ở Greenland tan, mực nước biển (MNB) sẽ dâng cao 7,2 m; nếu tan hết băng ở châu Nam Cực thì MNB sẽ dâng cao 61,1 m. Trong thực tế biến động mực nước biển (BĐMNB) ở các vùng khác nhau trên thế giới có nơi tăng, có nơi giảm.

Biến động của MNB ở các vùng khác nhau trên thế giới
Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người như phát triển công nghiệp, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, các hoạt động làm tăng lượng khí cacbon trong khí quyển. Biến động mực nước biển cũng chịu tác động của nhiều quá trình và để xác định được quá trình nào làm thay đổi MNB cần phải xét các thành phần của cân bằng (balance) nước biển và Đại dương, nếu balance dương có nghĩa MNĐD tăng và ngược lại, âm - giảm.
Các quá trình chính tham gia vào cân bằng nước Đại dương
Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Vinh, thuộc Phòng Vật lý biển Viện Hải dương học, đã tiến hành nghiên cứu cụ thể đặc điểm biến động mực nước vùng biển Nha Trang cho thấy có sự biến động rõ rệt các giá trị trung bình năm từ 1975-2008.
Các đặc trưng thống kê MN trạm Cầu Đá (Nha Trang). TB - Giá trị trung bình năm, TBnn - Giá trị trung bình nhiều năm (1975-2008), CD - Giá trị cực đại năm, CT- Giá trị cực tiểu năm,
   ♦- Chỉ năm không có đầy đủ số liệu MN từng giờ.
Trong vòng 34 năm, giá trị TB năm của MNB biến đổi với chu kỳ 5,7 năm, còn xu thế chung là từ năm 1975-1992 là giảm, 1992-2008 là tăng. Chênh lệch giá trị TB năm của MNB năm 2008 và 1975 là 5cm. Kết quả thu được cho thấy tồn tại một giá trị cực tiểu TB năm 1998 là năm có hiện tượng El Nino rất mạnh dẫn đến khả năng ảnh hưởng của El Nino và La Nina (ENSO) đến biến động MNB trong Biển Đông. Đỉnh cực đại MNB tồn tại năm 2006 liên hệ với ảnh hưởng của bão Durian tới biến động MNB. Giá trị TB tháng của MNB tháng 7 (mùa gió mùa Tây Nam) thấp hơn tháng 12 (mùa gió mùa Đông Bắc), trung bình là 28cm.
Xu thế biến đổi của giá trị trung bình năm MNB (SL, m) trạm Cầu Đá, Nha Trang. 1- Giá trị trung bình năm (đường gạch - gạch), 2 - giá trị là trơn (đường liền), 3 - Xu thế biến đổi của giá trị trung bình năm MN (đường gạch - chấm)
Biến động mực nước vùng biển Nha Trang còn chịu ảnh hưởng của biến động không triều (BĐKT). Biến động không triều của MNB là do một số quá trình xảy ra trong khí quyển, đại dương và vỏ Trái đất tạo thành.
Các quá trình xảy ra trong khí quyển như các hiện tượng thời tiết đặc biệt (bão, áp thấp nhiệt đới và lũ lụt vùng bờ); trường khí áp, đặc biệt phải kể đến quá trình ENSO, cá biệt trong vùng nhiệt đới như vùng biển nước ta, khí áp biến động với chu kỳ bán nhật triều. Tác động của các trường gió gần bờ cũng gây nên hiện tượng nước dâng-rút, ở vùng biển ven bờ Việt Nam có gió mùa và gió đất-biển, ở vùng nam của Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió chướng. Hiệu ứng nhà kính và hậu quả của sự gia tăng nhiệt độ khí quyển nói chung làm tan chảy băng ở các cực Trái đất cũng làm tăng mực nước biển.
Các quá trình xảy ra trong Đại dương như hoàn lưu nước biển đại dương trong sự tác động của lực Koriolis có thể gây nên biến động MNB, đặc biệt là vùng bờ, vùng có các xoáy. Quá trình truyền triều ở các vùng cửa sông trong trường hợp có lượng nước sông tương đối chảy ra thường gây nên sự gia tăng đáng kể của MNB trong vùng. Đối với vùng biển Việt Nam, hiện tượng này thường thấy ở vùng đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh.
Các quá trình xảy ra trong vỏ Trái đất như động đất, núi lửa, nhất là khi chúng xảy ra dưới đáy biển, đại dương, có thể tạo nên những biến động bất thường của MNB. Các quá trình thủy thạch động lực xảy ra trong vùng bờ biển và các đảo cũng có thể làm biến động MNB.
Để nghiên cứu BĐKT của MNB các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp lọc Xo-filter để thu được chuỗi giá trị mực nước không triều. Qua đó cho thấy vai trò của BĐKT trong quá trình biến đổi chung của MNB là rất đáng kể và gió mùa đóng vai trò chủ đạo trong BĐKT của mực nước biển.
Quá trình biến động MNB trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện đại ngày càng phức tạp, chính vì vậy đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu hơn về các quá trình thành tạo biến động đó để có được những hiểu biết chính xác hơn.
Nguồn tin: Nguyễn Kim Vinh, Phòng Vật lý biển,
Viện Hải dương học Nha Trang
Theo Thanh Hà- VAST
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment