Test Footer 2

Bảo vệ môi trường biển theo hướng phát triển bền vững

          Việt Nam có vùng biển rộng hơn ba lần diện tích đất liền, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km, có hai quần đảo lớn là Trường Sa và Hoàng Sa và khoảng ba nghìn đảo lớn, nhỏ, là nơi tập trung nhiều loại khoáng sản khác nhau. Biển Việt Nam được công nhận là mười trung tâm đa dạng sinh học biển điển hình trên thế giới. Do vậy, biển đảo đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước.

Những thách thức đối với môi trường biển Việt Nam

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010: Môi trường nước mặt lục địa vùng ven biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do ô nhiễm đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế vùng ven biển không ngừng gia tăng qua các năm. Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn phát sinh toàn dải ven biển năm 2009 là 14,03 triệu tấn (Báo cáo Hiện trạng môi trường biển năm 2010). Vấn đề thu gom, xử lý chất thải vùng ven biển tuy đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Chất thải rắn không được thu gom, xử lý triệt để đã gây ảnh hưởng  chất lượng nước biển, đời sống dân cư vùng ven biển và gây thiệt hại cho những ngành kinh tế gắn với biển.

Ða dạng sinh học biển Việt Nam đang thật sự là chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài những nguồn lợi tính được như nguồn lợi thủy sản, du lịch biển,... đa dạng sinh học còn mang lại lợi ích to lớn khác như: chức năng dịch vụ của các hệ sinh thái biển, ven biển (chống xói lở, điều tiết nước, xử lý ô nhiễm,...). Tuy nhiên, hiện nay mối đe dọa đối với đa dạng sinh học biển Việt Nam đang tăng lên cùng với sự gia tăng dân số và mở rộng các hoạt động kinh tế, khai thác biển. Phương thức đánh bắt hủy diệt, phát triển kinh tế và các ngành nghề một cách bất hợp lý,... cùng với ý thức kém của con người đã làm suy giảm tính đa dạng sinh học biển. Ðánh giá sơ bộ cho thấy trong vòng 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã mất tới 80% diện tích rừng ngập mặn. Tùy từng thời kỳ, diện tích này có phục hồi song không nhiều và rừng ngập mặn vẫn luôn bị đe dọa, tiếp tục bị thu hẹp.

Các rạn san hô đã bị giảm sút cả về chất lượng và độ che phủ. Riêng ở vùng biển miền bắc, diện tích rạn san hô đã giảm từ 1/4 đến 1/2. 85% số rạn san hô còn sống đều có chất lượng không tốt hoặc xấu. Trong số 10 vùng tập trung cỏ biển lớn như Tam Giang, Phú Quốc, một số vùng cũng đã bị suy giảm đáng kể.

Một trong những nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tiêu cực môi trường biển đó là sự cố tràn dầu diễn ra khá thường xuyên tại các vùng bờ biển Việt Nam, do lượng tàu bè qua lại lớn. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 2009 có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu. Các vụ tai nạn này đã đổ ra biển từ vài chục đến hằng trăm tấn dầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và môi trường. Ngoài ra, các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động của tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là tàu thuyền nhỏ với thiết bị máy móc lạc hậu và không lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm dầu ở biển nước ta. Sự cố tràn dầu và thải dầu cặn vẫn tiếp tục xảy ra nhiều, đôi khi trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường biển.

Một số kiến nghị nhằm bảo vệ môi trường biển

Công tác bảo vệ môi trường biển trong những năm qua đã được Ðảng và Nhà nước ta quan tâm, thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Trung ương đến địa phương. Lần đầu, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã dành một mục gồm bốn điều quy định về bảo vệ môi trường biển (các điều từ 55 đến 58). Cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 6-3-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NÐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Nước ta cũng đã ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới các chính sách và hành động nhằm hiểu hơn về biển, đảo, gìn giữ nguồn vốn tự nhiên, chất lượng môi trường. Ðặc biệt, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) đã có một điều quy định cụ thể về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển (Ðiều 35).

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường biển bước đầu đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về biển và hải đảo nói chung và môi trường biển nói riêng; tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành kinh tế biển hiệu quả và bền vững; thúc đẩy bảo vệ môi trường và sinh thái biển. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo còn chưa đầy đủ, chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực. Chưa thật sự có được một khung pháp lý điều chỉnh mang tính tổng hợp và thống nhất về biển, đảo cũng như thiếu hầu hết các văn bản hướng dẫn các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu để các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo ở địa phương có thể thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trong thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo theo hướng xác lập cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên và môi trường biển đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải coi bảo vệ môi trường biển thật sự là mục tiêu và nội dung ưu tiên của Việt Nam để thực hiện phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, hiện đại hóa và công nghiệp hóa.

Ngành tài nguyên và môi trường cần củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế các cơ quan chuyên môn quản lý tổng hợp về biển, đảo. Phân cấp thẩm quyền rõ ràng về quản lý biển, hải đảo cho các địa phương ven biển dựa trên căn cứ ranh giới quản lý. Chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tổng hợp biển, đảo. Triển khai Ðề án tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về biển giai đoạn 2010 - 2015.  Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm phục vụ quản lý tổng hợp dải ven bờ biển, tạo nền tảng về pháp lý và tổ chức nhằm xây dựng cơ chế điều phối hợp tác đa ngành để giải quyết đồng bộ các quan hệ khác nhau trong khai thác, sử dụng biển, đảo cũng như triển khai có hiệu quả quản lý tổng hợp dải ven biển.

 Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư về biển, đảo thông qua các hình thức thông tin truyền thông, giáo dục, tập huấn; lập chính sách, công bố các vùng biển có tính đa dạng sinh học cao, xúc tiến việc thành lập các khu bảo tồn biển, tiến hành đều đặn giám sát đa dạng sinh học, chất lượng môi trường và tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản nhằm có những giải pháp kịp thời ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học biển; thử nghiệm và mở rộng hoạt động phục hồi các quần thể sinh vật quý hiếm hoặc đang bị đe dọa, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và tuân thủ các tiêu chí của Công ước đa dạng sinh học "bảo tồn, sử dụng hợp lý và chia sẻ công bằng".

Tham gia và lập kế hoạch thực hiện các hiệp định và chương trình hành động quốc tế và khu vực về khai thác, sử dụng bền vững nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học biển trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi, đặc biệt tranh thủ sự hợp tác của các nước trong khu vực Biển Ðông. Thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương để tăng cường năng lực quản lý tổng hợp biển và hải đảo; tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Triển khai có hiệu quả các Ðề án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển như Ðề án "Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020" theo Quyết định 80/2008/QÐ-TTg ngày 13-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ và Ðề án 1278 về "Thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái-lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái-lan" (Chương trình 1278).

Các ngành, các lĩnh vực sử dụng biển cần áp dụng các phương pháp khai thác tài nguyên biển, các hệ sinh thái biển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái như  áp dụng các công nghệ nuôi trồng, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản thân thiện môi trường...  Tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các nơi cư trú đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.  Phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề để tăng khả năng tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển, giúp cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển và ven biển được tốt hơn.

PGS, TS BÙI CÁCH TUYẾN, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường
Theo NDO
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment