Test Footer 2

Xây cảng Kê Gà (Bình Thuận): ĐỪNG ĐỂ TRỞ THÀNH BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ LÃNG PHÍ

(TN&MT) - Mới đây, Chính phủ phải quyết định dừng thực hiện dự án xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).
 Đây là dự án mà trước khi khởi công đã được nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo. Từ đó, có nhiều ý kiến lo ngại về việc đầu tư xây dựng cảng biển Kê Gà tại Bình Thuận, do Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, đang có nguy cơ lặp lại trường hợp cảng Vân Phong; bởi sau 4 lần Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam dõng dạc tuyên bố khởi công dự án, nhưng sau đó dự kiến vẫn chỉ là…dự kiến.
GÂY THIỆT HẠI NGHÌN TỶ, CHỈ MONG "THÔNG CẢM"?
Báo Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, hơn 10 nhà đầu tư du lịch bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng các khu du lịch - resort khang trang, hiện đại ở vùng biển mũi Kê Gà từ thời điểm năm 2000 theo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận, tức là họ đã được cấp phép dự án trước khi có quy hoạch cảng Kê Gà tới gần 10 năm. Nhưng sau đó không lâu, họ lại trở thành nạn nhân của chính quyền tỉnh Bình Thuận bởi những việc làm "ngược quy trình".
 Cụ thể: Ngày 24/12/2009, Chính phủ mới chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; theo đó ghi rõ chức năng cảng Kê Gà là "chuyên dùng và tổng hợp địa phương loại II"; gồm 2 khu: Khu bến Bắc Kê Gà với chức năng "chuyên dùng của liên hợp Alumium - nhôm"; khu bến Nam Kê Gà với chức năng "tổng hợp địa phương có bến chuyên dùng".
Tuy nhiên, trước đó 2 năm, ngày 20/12/2007, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Văn bản số 5812/UBND-ĐTQH yêu cầu các nhà đầu tư du lịch tạm dừng thi công, không triển khai xây dựng nữa, vì lý do vướng quy hoạch cảng nước sâu Kê Gà(?). Thời điểm đó, nhiều chủ đầu tư du lịch đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phải công khai hồ sơ pháp lý được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận cho đầu tư xây dựng cảng nước sâu Kê Gà, nhưng những đề nghị chính đáng và hợp pháp của họ đều không được đáp ứng.
Mới đây nhất, ngày 31/8/2012 trong Văn bản số 3377/UBND-ĐTQH trả lời đơn của các chủ đầu tư du lịch, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng: "Dự án cảng Kê Gà được Chính phủ chấp thuận chủ trương tại Công văn số 6055/VPCP-CN ngày 22/10/2007 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Nhưng thực tế, trong Văn bản số 6055/VPCP-CN ngày 22/10/2007, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (có cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cảng), trình duyệt theo quy định; hoàn toàn không có nội dung "chấp thuận chủ trương dự án cảng Kê Gà" như UBND tỉnh Bình Thuận đã giải thích với các nhà đầu tư du lịch.
Đến ngày 9/6/2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải mới chính thức có Công văn số 926/TTg-KTN cho phép UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Vậy mà trước đó gần 4 năm, UBND tỉnh Bình Thuận đã ngăn cản các nhà đầu tư du lịch, buộc họ dừng thi công để chuẩn bị thu hồi dự án, thu hồi đất, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư du lịch. Theo quy định của pháp luật, trước khi thu hồi đất phải tuân thủ nhiều quy trình như: phải có quy hoạch chi tiết dự án được duyệt và công bố rộng rãi lấy ý kiến của người dân; chủ đầu tư phải trình duyệt dự án kỹ thuật khả thi; chính quyền phải lập và phê duyệt phương án đền bù, bồi thường giải tỏa và công bố công khai…Thật lạ lùng, dù chưa đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc nêu trên, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam vẫn được tỉnh Bình Thuận ưu ái, bỏ qua tất cả(?). Còn đối với các nhà đầu tư du lịch thiệt hại cả nghìn tỷ vì vướng quy hoạch cảng Kê Gà, thì UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đề nghị "thấu hiểu" và  "mong cùng thông cảm"(?!).
ĐỪNG LẶP LẠI  BÀI HỌC CẢNG VÂN PHONG! 
Trong Văn bản số 216/TB-VPCP ngày 14/6/2012, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam: "Rà soát lại quy hoạch cảng Kê Gà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2012, xem xét thêm phương án thực hiện nhiệm trung chuyển than tại cảng Kê Gà trước khi cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL được đưa vào vận hành chính thức; đồng thời làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xem xét phương án vận chuyển alumin từ các nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ qua cảng Vĩnh Tân khi cảng này được đưa vào vận hành trong năm 2014; so sánh với phương án vận chuyển qua cảng Gò Dầu, xây dựng mới cảng Kê Gà hoặc phương án kết hợp vận chuyển qua các cảng để lựa chọn phương án hợp lý nhất".
Dự án cảng Kê Gà có quy mô dài 2,3km bờ biển, diện tích 366 ha (mặt biển 296 ha và 70 ha đất), tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn gần 1 tỷ đô-la Mỹ, riêng giai đoạn 1 khoảng 4.100 tỷ đồng. Trong khi theo các phương tiện thông tin truyền thông chính thức của Việt Nam loan báo gần đây nhất thì Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam hiện đang thiếu vốn đầu tư vào các dự án, vì lý do lượng than tồn kho cao, than tiêu thụ chậm cả trong nước và xuất khẩu; khiến Tập đoàn này phải có văn bản xin Chính phủ được giảm thuế xuất khẩu than…Theo tin từ Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Lâm Đồng, đến hết tháng 8/2012, Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam vẫn chưa bố trí được nguồn vốn khoảng trên 55 tỷ đồng để tái khởi động dự án nâng cấp tỉnh lộ 725, hiện nay đang bị dừng lại sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công (cuối năm 2011). Vì thiếu vốn, nên con đường 18,5 km nối Nhà máy nhôm Tân Rai thuộc huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng)  với quốc lộ 20 (Bảo Lộc - TP.HCM), để vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên về cảng Kê Gà vẫn đang "đắp chiếu", gây lãng phí lớn.
Từ thực tế đó, có ý kiến băn khoăn về năng lực tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam trong việc đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Kê Gà trị giá cả tỷ đô-la Mỹ. Cũng chưa rõ Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam sẽ làm việc với những đối tác nào để có thể thu xếp được một số vốn "khủng" đến như vậy, nhằm bảo đảm cho dự án cảng Kê Gà hiệu quả, đúng tiến độ và chất lượng - như chỉ đạo của Chính phủ?.
Liên hệ tới việc đầu tư xây dựng cảng Vân Phong mà Chính phủ vừa chỉ đạo tạm dừng mới đây; kể từ khi ý tưởng xây dựng cảng Vân Phong được khởi xướng năm 1997, đã 15 năm trôi qua, cảng trung chuyển quốc tế chiến lược, động lực cho kinh tế biển, không chỉ của miền Trung Việt Nam vẫn còn nằm trên giấy chưa biết đến bao giờ; bởi việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế không hề đơn giản, dễ dàng chút nào, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy thoái, khó khăn như hiện nay...Từ bài học cảng Vân Phong có chuyên gia kinh tế nói rằng cần tính toán lại cho "bài toán cảng biển" ở Việt Nam, bởi hiện nay ở phía Bắc có cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và phía Nam có cảng Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đủ khả năng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ở hai khu vực công nghiệp phát triển…
Còn đối với cảng Kê Gà (Bình Thuận), ngoài những cảnh báo bất lợi về địa lý, thiên nhiên, ông Doãn Mạnh Dũng - Tổng Thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM cho rằng: "Khi xây dựng cảng, các chuyên gia kinh tế cảng biển phải tính sao để tổng chi phí vận tải là ít nhất. Chi phí trên bao gồm chi phí vận tải hàng từ nhà máy đến cảng, chi phí xếp hàng từ cảng xuống tàu và chi phí vận tải biển. Trong các chi phí trên thì chi phí để hình thành một cảng thích hợp là chi phí lớn nhất. Để có một cảng an toàn và đủ độ sâu cho con tàu lớn là không đơn giản và vô cùng tốn kém… Với những phân tích trên, việc xây dựng cảng Kê Gà là một cuộc phiêu lưu lớn về tài chính và bỏ lỡ nhiều thời gian cho cơ hội kinh doanh khác...".
Việt Đức - Tú Nguyễn
Theo Báo TN &MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment