Test Footer 2

News-Đồng Tháp: Dân vùng lũ nhọc nhằn chạy lở

Hàng ngàn hộ dân sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm vùng đầu nguồn lũ đang rất lo lắng cho tính mạng, tài sản của mình trước tình trạng sạt lở đang ở mức báo động đỏ. Nhiều hộ dân sau nhiều lần chạy lở đã không còn đất, trở nên nghèo khó. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng trong cảnh khó vì không còn quỹ đất, thiếu kinh phí nên việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, rất ì ạch!
Sạt lở ăn đứt trục lộ giao thông chính của xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Thấp thỏm ngày đêm

Chúng tôi đến điểm nóng nhất về sạt lở của tỉnh đầu nguồn lũ Đồng Tháp thuộc vùng cù lao 5 xã nằm giữa sông Tiền, huyện Thanh Bình. Chiếc phà nhỏ nhọc nhằn vượt dòng nước lũ từ từ tiếp cận dải cù lao. Từ xa chúng tôi đã thấy sạt lở rất nặng nề. Suốt chiều dài tuyến cù lao nham nhở dấu vết từng vạt đất, công trình, nhà cửa, cây ăn trái… trôi xuống sông. Nhiều nơi sạt lở tạo “hàm ếch” sâu hoắm vào đất liền. Toàn tuyến lộ nhựa rộng 3,5m, dài gần 4km là trục giao thông chính của xã cù lao Tân Bình, bị xói lở, nhiều đoạn bị nước sông cuốn trôi hàng chục mét. Dòng nước lũ đỏ ngầu tiếp tục cuồn cuộn đổ về xoáy vào vách đất…  
Đang loay hoay dùng dây chì chằng néo ngôi nhà nhỏ bằng gỗ đề phòng bất trắc xảy ra sạt lở lúc đêm hôm, anh Đặng Văn Bền (ấp Tân Phú A, xã Tân Bình) chỉ tay ra phía bờ sông nói: “Mấy anh hình dung, mới năm 2011, đất cặp con lộ nhựa này còn khoảng 30m mới tới mé sông. Vậy mà qua vài trận lở đã ăn đứt con lộ nhựa và đang tiến về phía trước sân nhà tôi vốn nằm bên trong đường lộ. Mấy hôm nay nước lũ về nhiều, ban đêm cả nhà không dám ngủ”.
Cặp bờ sông sạt lở, sau nhiều lần bị sạt lở cuốn mất nhà cửa, không còn đất để di dời, nhiều hộ dân vẫn còn bám víu dựng tạm chòi ở qua ngày. Trong căn chòi cặp bờ sông, ông Triệu Văn Đặng (SN 1947, ấp Tân Phú A, xã Tân Bình) thở dài: “Trước đây, từ mé lộ này ra đến bờ sông hơn 100m đất, có 2 dãy nhà dân. Mới năm ngoái thôi, nhà tui cách bờ sông 30m nhưng sau 2 lần sạt lở thì giờ chỉ còn một lỏm đất cất chòi trên mé lộ cho 4 người sinh sống. Mấy tháng qua, đêm nào vợ chồng, con cháu tôi cũng dắt nhau đi ngủ nhờ nhà hàng xóm vì sợ bị nước nhấn chìm”.
Hộ bà Dương Hồng Thắm cũng cùng cảnh ngộ, sau 2 lần sạt lở nhấn chìm nhà cửa, giờ tài sản của bà Thắm là một căn chòi cặp lộ nhưng nguy cơ bị “hà bá” viếng thăm vẫn treo lơ lửng. “Bây giờ nếu có sạt lở nữa thì tôi cũng chẳng biết đi đâu vì không còn đất, mà nghèo quá không có tiền mua chỗ khác cất nhà”, bà Thắm than vãn.
Trận sạt lở kinh hoàng nhất đối với người dân xã Tân Bình diễn ra giữa tháng 7 rồi kéo dài đến tháng 9-2011, làm hàng trăm hộ dân mất nhà ở. Ông Phạm Văn Bực, một bậc cao niên địa phương nhớ lại: “Hơn 200 ngôi nhà bị nước cuốn trôi, người dân, chính quyền địa phương dù đã rất cố gắng di dời tài sản, nhà của dân nhưng vẫn không kịp”.
Dẫn chúng tôi ra đoạn lộ bị sạt lở ăn đứt với chiều dài khoảng 40m ngay trước nhà, ông Bực nói: “Dòng nước đang cuồn cuộn xoáy vào bờ tạo hàm ếch, nguy cơ tiếp tục lở rất lớn. Chúng tôi ở ngay bên trong đoạn lộ bị lở này đang rất lo lắng. Căn nhà tôi ở hiện tại đã cho 3 hộ khác gởi nhờ đồ đạc, tài sản và xác nhà (đã tháo dỡ vì sạt lở), giờ không còn chỗ trống. Nếu sạt lở tấn công lần nữa thì không biết đi đâu…”. Người dân ở đây rất mong muốn nhà nước xây dựng một khu dân cư để được vào sinh sống yên ổn làm ăn, chấm dứt cảnh chạy lở đeo đẳng hàng chục năm qua”.

Chờ đến... bao giờ?

Ông Đào Văn Lía, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, cho biết: “Vùng sạt lở trên địa bàn xã kéo dài gần 4km với 250 hộ nằm trong vành đai nguy hiểm”. UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận, hiện tại trên địa bàn tỉnh có hơn 100 điểm sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17km; nguy hiểm nhất là tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành); xã Tân Quới, Tân Bình (huyện Thanh Bình); xã Long Thuận, Phú Thuận B, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự)…Trước tình trạng trên, UBND tỉnh quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về sự cố sạt lở tại nhiều địa phương trên tuyến sông Tiền. Toàn bộ các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 5.000 hộ dân cần sắp xếp di dời để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 đến nay đã hoàn tất, bố trí 37.063 hộ dân vào sinh sống. Giai đoạn 2 đang xây dựng 46 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với 14.231 nền. Đến nay đã xét duyệt hơn 8.247 hộ, trong đó có bố trí vào ở cho 3.709 hộ. Tuy nhiên, tình hình sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phát sinh thêm hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng cần phải di dời. Việc này không nằm trong kế hoạch của chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 nên đòi hỏi phải có thêm những công trình bổ sung đã bố trí người dân đến ở. Với nguồn kinh phí lớn, địa phương không kham nổi.
Ông Đinh Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Trong chuyến khảo sát vùng lũ năm 2011 tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tỉnh rà soát, thống kê các điểm sạt lở trên địa bàn, xây dựng kế hoạch trình Chính phủ xem xét. Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã lập danh mục gồm 5 cụm, tuyến dân cư vượt lũ trình các bộ, ngành trung ương phê duyệt, nhằm di dời các hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, đến nay Đồng Tháp vẫn chưa nhận được phản hồi. Trước tình hình cấp thiết, để đảm bào an toàn cho người dân vùng sạt lở nguy hiểm nhất, tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định trích ngân sách hơn 60 tỷ đồng để xây dựng tuyến dân cư tại xã Tân Bình (huyện Thanh Bình). Công trình này có tổng diện tích khoảng 16ha, khi hoàn thành sẽ bố trí cho hơn 300 hộ dân vào ở. 4 tuyến dân cư dự kiến xây dựng còn lại, đành phải chờ quyết định từ Chính phủ”.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp: Khẩn cấp di dời 80 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm

Chúng tôi đang phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn cấp di dời 80 hộ dân tại các điểm nóng sạt lở nguy hiểm dọc sông Tiền vào các cụm tuyến dân cư. Trong số này, xã cù lao Long Thuận có trên 60 hộ được ưu tiên cấp nền nhà trong tuyến dân cư. UBND xã Long Thuận đứng ra bảo lãnh mua trước vật tư để người dân sớm xây dựng nhà hoàn thiện trong tuyến dân cư để ở. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ tiền di dời với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ…
Trong khi đó, tại xã Thường Phước 1 có tổng chiều dài vành đai sạt lở nguy hiểm gần 3km với 37 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhưng không có nơi di dời. Lý do là cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 đã bố trí hết nền, chính quyền địa phương không còn quỹ đất trong khi đa số các hộ dân thuộc diện nghèo khó không có đất để di dời.
Trước mắt, chính quyền địa phương vận động, kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn, cho các hộ bị sạt lở ở tạm hoặc mượn đất cất nhà tạm chờ khi có tuyến dân cư mới, sẽ ưu tiên bố trí vào ở.

Theo Sài Gòn  Giải Phóng
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment