Test Footer 2

Một số giải pháp trồng cây bảo vệ đê biển, bờ biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang

1. Đặt vấn đềĐai cây ven biển có một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ đê biển và bờ biển. Sự tồn tại của đai rừng phòng hộ ven biển có ý nghĩa không chỉ về vấn đề môi trường mà còn cả về vấn đề kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai như hạn chế cát bay, cát nhảy, xói lở, tăng bồi tụ đất ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, ngăn cản các chất thải rắn trôi ra biển, bảo vệ đê điều, đồng ruộng, nơi sống của người dân ven biển trước sự tàn phá của gió bão, sóng thần và nước biển dâng,…[1],[4]. Tuy nhiên, do việc mở rộng nuôi trồng thủy sản và một số nguyên nhân khác nên nguy cơ mất dải rừng phòng hộ ven biển là rất lớn (khoảng gần 20% mỗi năm)[3],[7],[9]. Vì thế việc trồng cây, phục hồi, phát triển đai cây chắn sóng, chắn cát bảo vệ đê biển là góp phần hoàn thiện hệ thống đê biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang nhằm phòng tránh thiên tai từ biển gây ra, làm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế biển, giữ vững an ninh quốc phòng càng trở thành vấn đề bức thiết.[2],[5],[10].
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trồng được cây ở những nơi có điều kiện không thuận lợi  (nghèo dinh dưỡng, gió to, sóng lớn, xói lở…), trồng loài cây gì và kỹ thuật trồng như thế nào để đạt hiệu quả cao. Chúng tôi xin giới thiệu một số giải pháp trồng cây bảo vệ đê biển ở các vùng cát và bãi ngập mặn ven biển nước ta, rút ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp trồng cây bảo vệ đê biển, góp phần cải thiện môi trường ven biển ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang” thuộc chương trình đê biển giai đoạn II.
2. Hiện trạng về cây bảo vệ đê biển ở các tỉnh ven biển nước ta2.1. Hiện trạng về cây bảo vệ đê biển ở các vùng cát ven biển
2.1.1  Điều kiện tự nhiên liên quan đến cây trồng trên cát.
http://qmt.vn/Portals/0/News/trieuphong_trongrung2.png

Các bãi cát vùng Nam Trung Bộ bao gồm các cồn cát, đụn cát phân bố thành một dải hẹp, chạy dài ven biển. Nhìn chung các dải đất cát, cồn cát ven biển phần lớn là những vùng đất khô hạn, thiếu nước tưới, khí hậu khắc nghiệt.[6],[8]
Vùng Nam Trung bộ, một năm chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa khô thường kéo dài 8 tháng, từ tháng 1 đến tháng 8, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20-25% lượng mưa năm; mùa mưa kéo dài 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12, lượng mưa chiếm khoảng 75-80% lượng mưa năm. Lượng mưa trung bình năm từ 1.000 - 2.200mm (Ninh Thuận <1.000mm). Có hai loại gió chính là gió Đông Bắc và gió Tây Nam với tốc độ gió trung bình từ 2 - 3 m/s. Nhiệt độ bình quân năm: > 26,50C. [14]
Các giải pháp cần nghiên cứu để hạn chế một số yếu tố tự nhiên không thuận lợi cho việc trồng cây trên các vùng cát ven biển nước ta là: đất khô hạn, không đủ nước tưới cây, nhất là về mùa khô; nhiệt độ quá cao trên bề mặt cát vào mùa hè; đất cát nghèo dinh dưỡng;  gió mạnh (bình quân từ 2-3 m/s, khi có bão mạnh tốc độ gió đạt tới 40 m/s), nhiều cồn cát có độ dốc lớn, cát chảy thường xuyên.
2.1.2 Hiện trạng đai cây bảo vệ đê biển ở các vùng cát ven biển.
Tình trạng phá rừng và huỷ hoại lớp phủ thực vật do con người gây ra làm cho diện tích rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật thấp, sự xói mòn và thoái hoá đất xảy ra nghiêm trọng. Mặt khác, do nuôi trồng thuỷ sản đã gây nên mặn hoá những vùng đất ven biển. Hiện tượng hoang mạc hoá đã xuất hiện ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Ninh Phước, Ninh Hải (Ninh Thuận). [6]
Thành phần loài trong các đai rừng còn lại đơn giản, nhiều đai rừng chỉ có một hoặc vài vài loài cây chính. Một số dai rừng trồng thuần loài, khả năng tái sinh tự nhiên rất hạn chế. Trong đó phi lao là loài cây tiên phong, phát triển mạnh nhất, được xem là cây chủ lực trong việc trồng rừng chắn cát bay, cát chảy. Tuy nhiên cần phải trồng bổ sung các loài cây khác để nâng cao khả năng cải tạo đất của đai rừng phòng hộ trên các vùng cát.
2.2. Hiện trạng dải cây ngập mặn bảo vệ đê biển
2.2.1. Một số điều kiện tự nhiên liên quan đến cây ngập mặn
Nhìn chung, địa hình khu vực ven biển vùng đồng bằng Nam Bộ nước ta tương đối bằng phẳng, nhưng quá trình bồi tụ và xói lở vẫn diễn ra thường xuyên, tạo ra nhiều bãi bồi rộng lớn cũng như gây ra nhiều điểm xói lở nghiêm trọng. Một số khu vực đang được bồi tụ như: cửa sông Ba Lai (huyện Ba Tri - Bến Tre), phía bắc cửa biển Định An tỉnh Trà Vinh... Một số nơi lại đang diễn ra xói lở như: Tân Thành và Tân Điền (Gò Công Đông, Tiền Giang), Hiệp Thạnh (Trà Vinh), Vĩnh Châu (Sóc Trăng)...[3],[5], [17].
 Vùng miền Trung chịu ảnh hưởng của gió mùa, trong mùa hè là gió Đông,   Đông Nam và Tây Nam, mùa đông là gió Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc. Nhiệt độ trung bình: vùng Trung bộ: 230C-270C; lượng mưa từ 1.944 -2.867 mm/năm. Khu vực ven biển Nam bộ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Khí hậu theo hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 260C-270C. Tổng lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 1500 - 2200 mm, càng đi xuống phía nam lượng mưa càng tăng.[12],[13],[15].
Vùng biển phía đông của Nam bộ chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều còn ở vùng biển tây chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều. [11].
Độ mặn dao động từ 0,7 - 3,5% tùy theo mùa, theo vị trị. Về mùa khô độ mặn tăng và xâm nhập sâu vào cửa sông đặc biệt là các vùng cửa sông có lưu lượng nước thấp.
Các giải pháp cần nghiên cứu để hạn chế một số yếu tố tự nhiên không thuận lợi cho việc trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển là: mức triều cao, sóng to, gió lớn, xói lở mạnh; việc khai thác, đánh bắt hải sản, nạn chặt phát rừng để nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng lớn đến đai rừng ngập mặn; một số bãi bồi hàm lượng mùn quá thấp hoặc nhiễm phèn nặng.[16],[17]
 2.2.2 Hiện trạng về cây ngập mặn bảo vệ đê biển
Vùng bãi bồi ven biển nước ta là nơi cây ngập mặn phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong những năm qua dưới tác động của tự nhiên và con người, rừng ngập mặn đã bị biến động mạnh về diện tích, số lượng, cấu trúc, thành phần loài.
Diện tích RNM hiện nay ở khu vực biển Nam bộ khoảng 82.000 ha, trong đó Cà Mau là nơi có diện tích RNM lớn nhất chiếm 70% diện tích rừng ngập mặn toàn vùng. Thành phần loài cây ngập mặn chủ yếu: Mắm, Đước, Bần, Dừa nước, Ô rô, Giá, Tra, Vẹt dù, Cóc vv…[12]
Diện tích các bãi bồi ở các tỉnh ven biển có thể trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển ở các tỉnh Nam bộ là khoảng gần 28.000ha.[2].
Các đai rừng ngập mặn bảo vệ đê biển ngoài một số nơi đang được chủ động trồng mới hoặc khôi phục còn lại hầu hết đang bị thu hẹp dần, thành phần loài và cấu trúc đai rừng ngày càng đơn giản. Một số đai rừng thuần loài, đã qua thời kỳ sinh trưởng sang giai đoạn thoái hóa nên hiệu quả chắn sóng giảm.[18]
3. Các giải pháp trồng cây bảo vệ đê biển, bờ biển
3.1 Các giải pháp trồng cây bảo vệ đê biển ở các vùng cát ven biển
3.1.1 Lựa chọn các loài cây trồng phù hợp
3.1.2 Các giải pháp kỹ thuật
Xây dựng tường rào chắn cát để trồng câyTrong điều kiện cồn cát cao và dốc, phải sử dụng các cọc tre hoặc gỗ dài cắm sâu xuống đất (>0,5m) tạo thành hàng cọc, buộc các phên tre nằm ngang vào hàng cọc, tạo tường rào chắn cát. Tùy thuộc vào địa hình để xây dựng các cấp tường rào cho phù hợp. Bố trí các tường rào song song tạo thành các cấp cơ đồng mức trên cồn cát, chống cát chảy để trồng cây. Đối với các cồn cát lồi lõm bố trí tường rào tạo thành các ô 10x10m xen kẽ tạo thành các ô tương đối phẳng để trồng cây. Giữa các ô hàng rào để lại 1 lối đi lại. Sử dụng rơm rạ bện quanh từng gốc cây để giữ ẩm cục bộ cho cây đồng thời hạn chế hiện tượng trơ gốc, rễ do nền cát không ổn định (hình 1).
Phương thức trồng cây trên cát Phương thức trồng là chọn cây tiên phong về phía trước biển, phía sau là trồng hỗn giao giữa các giống cây khác nhau. Phối hợp cây mọc nhanh với cây mọc chậm, giữa cây tầng cao với cây tầng thấp, giữa cây có tán thưa, mỏng với cây có tán dày để chắn gió, chống cát bay. Tiếp theo là cây bụi, cây thân thảo để chống cát chảy. Trồng cây đủ tiêu chuẩn, được gieo ươm trong túi bầu PE.
Phi lao là cây sinh trưởng nhanh về chiều cao, chịu hạn và điều kiện khắc nghiệt tốt thường được sử dụng làm cây tiên phong trồng phía trước biển. Keo lá tràm, xoan chịu hạn có khả năng chịu hạn tốt, tán rộng, đặc biệt rễ cây có nốt sần cố định đạm, góp phần cải thiện tính chất của đất trồng tiếp theo dải tiên phong. Muống biển, tù bi, cây bụi, mọc lan trên mặt đất, có tác dụng che phủ bề mặt, giữ ẩm, giảm nhiệt độ đất, cố định cát.
Kỹ thuật trồng câyTrồng so le hình nanh sấu với nhau với tiêu chuẩn cây giống và mật độ như sau
Căn cứ vào điều kiện đất đai và mức độ thâm canh, tình hình xói mòn để lựa chọn biện pháp cải tạo đất thích hợp như: Cày toàn diện, cày lật đất độ sâu 20 - 25cm;  Cày theo băng độ sâu 20 - 25cm;  Cải tạo hố trồng cục bộ: đào hố rộng rồi bổ sung đất màu, tuỳ điều kiện cho phép có thể bón lót 1kg phân chuồng hoai + 50g phân NPK hay phân lân vi sinh cho 1 cây. Bón vào lúc đào hố lấp đất bằng cách trộn đều với đất ở độ sâu giữa hố và sau đó lấy đất đắp lên trên. Thực hiện trồng sâu để đảm bảo đủ ẩm cho cây. Khi đào hố phải để riêng phần đất mặt, phần đất đáy hố để một bên. Cho lớp đất mặt xuống đáy hố. Thực hiện trồng sâu, cây trồng đặt ngay giữa hố sau đó từ từ xé bỏ vỏ bầu PE, lấp đất và dẫm chặt xung quanh gốc. Lấp đất cách miệng hố từ 3 - 5cm để cây trồng tận dụng lượng nước mưa và mùn.
Sau khi trồng cây, che phủ quanh gốc cây bằng các vật liệu như rơm, cỏ khô… để hạn chế sự bốc hơi nước giữ ẩm cho cây đồng thời giảm nhiệt độ bề mặt đất.
 Sau khi trồng 2- 3 tuần, kiểm tra tỷ lệ sống, trồng dặm kịp thời những cây bị chết.
Nguồn nước và kỹ thuật tướiDải đất cát ven biển phần lớn là những vùng đất khô hạn, lượng nước ngầm cũng như nước mưa khan hiếm. Nguồn nước tưới dùng cho cây được thu trữ trong bể chứa vào mùa mưa hoặc tiến hành khoan giếng đưa nước vào bể. Đất cát có kết cấu rời rạc nên khả năng giữ nước kém, nhiệt độ không khí lại khá cao dẫn đến lượng bốc hơi nước rất lớn. Vì vậy để hạn chế sự thất thoát nước trong quá trình tưới cho cây trồng trên cát thì nên tưới nước theo hình thức phun mưa hoặc nhỏ giọt.
Chăm sóc - bảo vệ  Tiến hành dãy cỏ xới vun gốc, đồng thời trồng dặm và sửa cây đổ ngã. Cày giữa hai hàng cây, cày ranh bao ngăn, ranh lô (nếu có). Tùy theo mức độ thực bì có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật phát dọn thực bì trước khi cày. Khi phát hiện sâu bệnh hại, cần có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng cọc tre, gỗ kết hợp cây xương rồng, dứa dại làm hàng rào xung quanh khu vực trồng cây để ngăn trâu, bò, cừu và gia súc khác vào phá hoại.
3.2 Các giải pháp trồng cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển
3.2.1 Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với các dạng lập địa
Căn cứ vào yêu cầu về cây chắn sóng, phân bố địa lý, đặc điểm sinh thái loài cây, chúng tôi đã lựa chọn một số loài cây chủ yếu để trồng trên các bãi triều như sau:
3.2.2 Các giải pháp kỹ thuật
Phương thức trồng câyViệc trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển cần phải căn cứ vào diễn thế tự nhiên của rừng ngập mặn, đảm bảo trồng đủ các đai cây: đai cây tiên phong, đai cây trên các bãi bồi ngập triều thể nền đã ổn định, đai cây trên bãi cạn (không chịu ảnh hưởng của chế độ triều). Trong đó, chiều rộng dải cây ngập mặn cần thiết là 300m. Đối với những nơi sóng lớn cần xây dựng công trình tạm giảm sóng khi trồng cây. Trước hết phải lựa chọn cây tiên phong chịu sóng biển tốt và độ ngập triều sâu. Sau khi đã hình thành đai tiên phong, cần trồng đai cây hỗn loài có chức năng cản sóng tốt hơn rừng trồng thuần loài. Khi bãi bồi đã nhô cao hơn mực nước triều dâng bình thường phải tiến hành trồng bổ sung các loài cây trên cạn thích hợp.[18]
Mật độ trồng một số loài cây cơ bản là: Bần chua, Bần trắng 1.600 cây/ha; Mắm trắng, Mắm đen, Mắm biển 10.000 cây/ha; Đước 10.000 cây/ha.
Trồng cây đủ tiêu chuẩn, được gieo ươm trong túi bầu PE. Cây con trong giai đoạn mới trồng sức chống chịu kém, nên việc trồng phải tiến hành trước mùa mưa bão, mùa có gió nhẹ và sóng nhỏ. Việc xác định thời vụ trồng cần căn cứ vào điều kiện tự nhiên của từng khu vực.
Tiêu chuẩn xuất vườn của một số loài cây ngập mặn như sau:Mắm: Chiều cao từ 0.7-1m, tuổi từ 10-12 tháng tuổi, đường kính gốc từ 1,0-1,2cm
Bần: Chiều cao từ 1,2 - 1,5m, tuổi từ 22 - 24 tháng, đường kính gốc từ 1-2cm
Trang: Chiều cao từ 0,7 - 1,05m, tuổi từ 22 - 24 tháng, đường kính gốc từ 0,8-1,5cm
Đước: Chiều cao từ 0.7-1m, tuổi từ 10-12 tháng tuổi, đường kính gốc từ 1-1,2cm
Giải pháp trồng CNM tại các bãi bồi:Đối với bãi bồi có hàm lượng cát ≥ 90%: trước khi trồng CNM cần tiến hành cải tạo thể nền. Thay thế lớp đất cát bằng lớp phù sa hoặc đất màu giàu dinh dưỡng. Đối với bãi bối có hàm lượng cát <90% có thể tiến hành trồng cây ngập mặn ngay không cần cải tạo thể nền.
Giải pháp trồng CNM tại các bãi xói lởTại những khu vực này cần đánh giá các nguyên nhân gây ra xói lở, xác định chế độ động lực ven bờ, sau đó triển khai các biện pháp giảm sóng, tạo bãi và ổn định bãi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực. Khi khảo sát thấy sóng đã giảm theo thiết kế, bãi xuất hiện lớp bùn trầm tích phủ trên cát thì mới tiến hành trồng cây (hình 2).

Hình 2: Sơ đồ tường rào giảm sóng sử dụng cọc tre hoặc gỗ và bao tải cátQuản lý bảo vệ CNM sau khi trồng
Vệ sinh cho cây sau khi trồng, chống rác rưởi bám vào cây; Phòng chống sâu bệnh hại như Hà, Sâu róm hại cây vv… Hạn chế các hoạt động đánh bắt thủy sản. Dành lối đi riêng cho thuyền bè trong khu vực trồng cây.
Giải pháp trồng CNM bổ sung đối với rừng tự nhiên có đai rừng hẹp, không đủ tiêu chuẩn chắn sóng
Đối với những khu rừng mà quá trình diễn thế tự nhiên đang diễn ra bình thường, đai rừng rộng, chức năng tự nhiên của rừng đang được duy trì thì chỉ cần tạo lập hành lang bảo vệ cây tái sinh phía trước biển (thuộc đai tiên phong). Đặc biệt là việc cấm quét chài lưới ở hành lang này vào mùa cây sinh sản. Đối với những khu rừng tự nhiên già cỗi, không có cây con tái sinh cần tiến hành chặt tỉa những cây già cỗi để trồng bổ sung cây con và trồng bổ sung cho đai cây tiên phong.
Giải pháp đối với rừng trồngĐối với rừng trồng thuần loài, không có cây con tái sinh cần trồng xen những loài cây khác đồng thời trồng thêm cây con cùng loài, đảm bảo cấu trúc rừng có nhiều độ tuổi khác nhau và hỗn loài. Đối với rừng trồng hỗn loài nhưng cây trồng đã qua giai đoạn trưởng thành, thiếu cây con tái sinh thì cần phải trồng lớp cây mới, mỗi lớp cây cách nhau 3-5 năm.
4. Đề xuất giải pháp
4.1 Đối với việc trồng cây bảo vệ đê biển trên vùng cát ven biểnCác vùng cát ven biển có điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, gió mạnh, khô hạn, nhiệt độ trên bề mặt cát cao, cồn cát cao, dốc. Một số loài cây trồng thích nghi trên vùng cát như phi lao, keo lai, xoan chịu hạn, muống biển, xương rồng… có thể trồng hỗn giao để chắn gió, hạn chế cát bay, cát chảy. Đối với các đụn cát cao, dốc, lồi lõm cần phải lập các loại tường rào chắn cát trước khi trồng cây bằng các nguyên vật liệu địa phương rẻ tiền.
Trồng cây đủ tiêu chuẩn, được gieo ươm trong túi bầu PE.
Cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như: cải tạo đất, bổ sung mùn và chất giữ ẩm cho đất, trồng sâu, che phủ bề mặt đất, thu trữ nước và tưới tiết kiệm khi trồng cây, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao và có hiệu quả chắn gió, hạn chế cát bay và cát chảy tốt.
4.2. Đối với việc trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển trên các bãi ngập mặnTrồng cây ngập mặn cần có thành phần loài và tuổi cây đa dạng phù hợp với từng lập địa cụ thể. Đảm bảo chiều rộng cần thiết của đai rừng bảo vệ đê biển (200-300m). Tạo hành lang cho cây tái sinh ở bìa rừng phía biển bằng cách bảo vệ bãi, cấm quyét chài lưới vào mùa tái sinh của cây tiên phong. Với rừng ngập mặn bị khiếm khuyết một số đai đặc trưng, đặc biệt là đai tiên phong cần tiến hành trồng bổ sung các đai khiếm khuyết và cây tiên phong. Cây đem trồng phải đạt tiêu chuẩn và được gieo ươm trong túi bầu PE.
Đối với rừng trồng ngập mặn thuần loài, lứa tuổi của cây đã qua giai đoạn trưởng thành, không xuất hiện cây tái sinh tự nhiên, độ rộng dải rừng hẹp (dưới 100m), cần tiến hành trồng cây mới thay thế các cây thoái hóa và mở rộng chiều rộng của đai rừng, đủ yêu cầu chắn sóng bảo vệ đê.
Ở các bãi bồi đang trong quá trình bồi tụ chưa có rừng ngập mặn cần tiến hành trồng ngay các loài cây thích hợp với điều kiện cụ thể của bãi vào mùa vụ hợp lý. Với các vùng bãi đang bị xói lở phải xây dựng các công trình tạm giảm sóng, nuôi bãi bằng vật liệu địa phương. Sau đó mới lựa chọn giống cây tiên phong thích hợp, đã được ươm trong bầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết đem trồng trên bãi đã tạo lập.
   Tài liệu tham khảo1. Chỉ thị số 85/2007/CT-BNN ngày 11/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc đẩy mạnh trồng rừng và trồng cây chắn sóng ven biển.
2. Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão-Bộ NN&PTNT, 2009. Rừng ngập mặn tại Việt Nam, công tác quản lý, đề xuất kế hoạch hành động, bảo tồn và phát triển. Hà Nội - 5/2009.
3. “Dự báo hiện tượng xói lở, bồi tụ bờ biển, cửa sông và các giải pháp phòng tránh” - Báo cáo tổng kết đề tài KHCN cấp Nhà nước KC-09-05. Viện Địa lý, Hà Nội-2005.
4. Đề án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhằm bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai giai đoạn 2008-2015. Bộ NN&PTNT, Hà Nội-2009.
5. “Nghiên cứu, dự báo, phòng chống sạt lở bở biển miền Trung (Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận)” - Báo cáo tổng kết đề án KHCN cấp nhà nước - 5B. Viện Địa lý, Hà Nội - 2001.
6. “Nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn quá trình hoang mạc hóa vùng Nam Trung Bộ” - Báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp nhà nước. KHCN - 07 - 01. Viện Địa lý, Hà Nội-2001.
7. “Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển” - Cẩm nang ngành Lâm nghiệp. Bộ NN&PTNT, 2006.
8. Quyết định số: 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
9. Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 về việc trồng rừng phòng hộ ven biển là nhiệm vụ ưu tiên phải được thực hiện đối với tất cả các khu vực ven biển có điều kiện trồng cây.
10. Quyết định số: 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
11. Trịnh Văn Hạnh và CS, 2009. Báo cáo tổng kết đề tài: Nghiên cứu giải pháp trồng cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê ven biển Thanh Hóa và Ninh Bình.
12. Viện Kỹ thuật Biển. 2009. Báo cáo kết quả điều tra khảo sát, phân loại bãi ngập mặn vùng ngập mặn có liên quan đến việc chọn giống cây thích hợp.
13. Viện Phòng trừ Mối và Bảo vệ công trình. 2009. Báo cáo khảo sát một số điều kiện tự nhiên liên quan đến các dạng bãi ngập mặn ven biển Nam Bộ.
14. Viện Phòng trừ Mối và Bảo vệ công trình. 2009. Báo cáo khảo sát một số điều kiện tự nhiên liên quan đến cây trồng của các dạng đất cát ven biển Nam Trung Bộ.
15. Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, 2007. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ đất cát biển và bãi bồi ven biển vùng Nam Trung bộ.
16. Carew-Reid, J., 2008. Rapid Assessment of the Extent and Impact of Sea Level Rise in Viet Nam. Climate Change Discussion Paper 1. ICEM - International Centre for Environmental Management, Brisbane, Australia. 74 pages.
17. Southern Institute of Water Resources Research. 2010. Shore line variation analysis from Ho Chi Minh city to Kien Giang province.
18. Trinh Văn Hanh et al. 2010 Change in erosion and mangrove in the coast of Go Cong Dong district, Tien Giang province.
Tác giả: TS. Trịnh Văn Hạnh, TS. Phạm Minh Cương, ThS. Nguyễn Hoàng Thanh
Viện Phòng trừ Mối & Bảo vệ công trình - Viện Khoa học  Thủy lợi Việt Nam
                                                                             Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Thủy lợi
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét: