Test Footer 2

Biển lấn người

“Biến đổi khí hậu” không còn là cụm từ trong các báo cáo của nhà khoa học mà đã hiện diện trong cuộc sống đời thường của người dân. Nó có thể phá hủy ngôi nhà, làm sụp đổ làng xóm, thay đổi cả tập quán và cuộc sống yên lành của họ...
PV Tuổi Trẻ tường trình những vụ “tị nạn môi trường” đang diễn ra tại nhiều nơi như những lời cảnh báo...
“Chỗ này hồi xưa là bãi bồi nhưng mấy năm nay bỗng dưng lở. Trước đây mình lấn biển, nay biển lấn mình. Thiệt hổng hiểu nổi”. Người dân xóm Vàm Hòn, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ai cũng nói vậy về chuyện lạ này. Nó khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Xưa bồi nay lở
Đất mé bờ cứ vậy mà bị sóng đánh lở dần từng mảng, lần lượt trôi xuống biển. Trên bờ cạnh đó là hàng cây mắm chạy dài xa tít tắp đang bị sóng biển đánh lở dần từng ngày. Những gốc mắm bật tung lên trơ ra gốc nham nhở. Nơi không có mắm thì đất bị lở khoét sâu vào trong, tạo thành những lõm hình chữ C khổng lồ. Xóm Vàm Hòn nằm trên lõm đất hình chữ C đó.
Căn nhà lá ở đầu xóm nằm thoi loi ngay mép biển bị lở là nhà của ông Hà Phước Huê, 54 tuổi, chuyên làm mướn. Ông cùng vợ đã ở đây hơn 30 năm, sinh được năm người con, đều lớn lên bên vùng biển này.
“Hồi xưa nơi đây là bãi bồi, đất liền chạy ra tuốt ngoài kia, rừng phòng hộ dày hơn cây số lận, mắm mọc dày bịt. Tụi tui hay xuống bãi bắt thòi lòi, bắt cua, mò nghêu đem bán - ông Huê nhớ lại rồi chỉ tay ra biển, nơi chỉ có sóng và gió - Nhà tui hồi năm 2001 ở ngoài kia, bây giờ biển lấn vô hết rồi. Cứ hai ba năm phải dời nhà một lần. Tới nay dời bốn lần rồi đó. Dời riết cái nhà cây lợp tôn “tóp” lại còn nhà lá...”.
Vậy mà bây giờ căn nhà lá của ông vẫn chưa yên ổn. Nó tiếp tục bị biển lấn sâu, “ăn” lở tới tận vách nhà.
Tôi hỏi “liệu ông có chỗ nào dời đi chưa?”, ông thở dài thườn thượt: “Biết chỗ nào bây giờ. Chỉ còn nước lên bờ đê quốc phòng thôi”. Chỗ bờ đê mà ông nói là con lộ giao thông khá chắc chắn ở sâu trong đất liền, cách đó chừng vài trăm mét.
Ở sát mép đê, căn nhà của ông Phạm Văn Hiển không còn đất liền nữa mà phải làm nhà sàn. Bởi vì ông không còn chỗ nào để “chạy”.
“Tui dời từ năm 1997 tới nay là năm lần rồi - ông chỉ ra hướng biển - hồi đó ở đây có hàng cột điện kéo từ bờ ra. Tui nhớ có tất cả năm cột, mỗi cột cách nhau 50m. Bây giờ chẳng còn cột nào vì biển lở vô ngã sập hết. Nhà tui cũng bị biển “đuổi”, chạy theo mấy cột điện tới giờ. Hết đất dưới chân, giờ phải đóng cọc ở trên sàn”.
Ông Nguyễn Hoàng Lanh, tới đây lập nghiệp đã 25 năm, đã năm lần dời nhà từ năm 1997 tới nay. Ông nói 540 hộ xóm này thì có hơn nửa phải dời nhà ít nhất ba lần.
“Mà sao kỳ quá. Những năm 1980-1990 biển ở đây bồi. Từ 1992 trở đi bỗng nhiên lở - ông chỉ vào cây cầu bắc qua khu du lịch Hòn Đá Bạc - Chỗ này ngày xưa là đất liền. Công ty du lịch rải đá làm đường đi qua. Nay bị lở hết phải làm cầu. Tính ra đoạn này bị mất 700-800m”.
Ở xóm Vàm Hòn, ấp Kinh Hòn, người dân phải chạy dạt vào trong mỗi khi biển lấn gây sạt lở - Ảnh: D.T.H.
Cây xài, củi chụm
Với bờ biển dài hơn 3.200km, VN được coi là một trong năm quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi hiện tượng mực nước biển dâng.
Theo các kịch bản được Bộ Tài nguyên và môi trường công bố tháng 8-2009, nếu mực nước biển dâng cao thêm 65cm thì hơn 6% diện tích TP.HCM bị ngập lụt. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, khoảng 500km2 của thành phố sẽ bị nhấn chìm dưới nước biển. Tình hình còn tồi tệ hơn đối với đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của khoảng 17 triệu người. Vùng châu thổ này có tổng diện tích gần 40.000km2, cung ứng hơn 50% sản lượng lúa và hoa quả cho toàn quốc.
Trong giả thiết nhiệt độ trung bình tăng thêm hơn 3°C vào năm 2100, mực nước biển ở VN sẽ tăng thêm hơn 1m. Vựa lúa lớn nhất của VN sẽ mất 38% diện tích.
Chúng tôi men theo con đê làm bằng rọ đá ra sát mép biển Tây. Thạc sĩ Quách Văn Ấn, phó trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ (Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Cà Mau), cho biết thường thì dải rừng phòng hộ có các loại cây mắm, bần, đước mọc thành từng lớp đan xen nhau bảo vệ bờ biển. Nhưng do nhu cầu cây xài củi chụm của người dân, cây rừng bị khai thác lần hồi.
Rừng bây giờ mỏng te nên càng bị sóng biển lấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Ánh nhớ lại: “Hồi tui mới về cây mắm còn dày bịt. Rồi dân về quá đông, mỗi người chặt một hai cây làm nhà, đóng vuông tôm, kể cả chụm củi, riết rồi cây hết, bờ trống thì lở thôi. Ngay cái vàm này bây giờ cũng lở rộng ra cả trăm mét. Do xáng múc một phần, do cây bị đốn cũng một phần rồi lở dài ra mép biển.
Không chỉ cây xài củi chụm, người ta còn đốn cây lấy đất nuôi tôm. Đi dọc mép biển chừng vài cây số, chúng tôi đếm được có trên 20 vuông tôm được đào vét lẩn khuất giữa tán rừng phòng hộ. Các vuông này nối liền nhau thành con rạch dài theo bờ biển, xen kẽ giữa dải rừng phòng hộ bên ngoài.
Giữa mỗi vuông có một đường nước nhỏ để dẫn nước biển vào nuôi tôm. Dĩ nhiên là để làm những đường nước này, người ta phải phá bỏ cây rừng ven biển.
Thạc sĩ Ấn nói rằng trong tương lai không xa, khi dải rừng bên ngoài bị lở vô tới vuông tôm, khi đó không còn rừng bảo vệ, không biết điều gì sẽ xảy ra nếu nước biển dâng, sóng to, gió bão...
Ông Lý Văn Nhạn, phó ban chuyên trách Ban quản lý khu sinh quyển Mũi Cà Mau, cho biết những năm gần đây vùng biển mũi Cà Mau thay đổi dòng chảy, diễn thế tự nhiên mất đi nên xảy ra hiện tượng khác thường. Trước đây biển Đông lở, biển Tây bồi, nhưng từ năm 2002 tới giờ biển Tây chẳng những không bồi mà đã có nơi lở. Cộng thêm người dân “khuấy động” quanh năm, cứ đua nhau bắt cá, đi xuyệt, te, cào... làm bờ biển thêm bị tác động.
Cũng phải thừa nhận Cà Mau là cái túi chứa dân nhập cư, có tới 20% là di dân tự do từ nơi khác đến nên rừng và biển bị tác động dồn dập tới mức đáng báo động.
Ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, bảo rằng trong hai năm trở lại đây, biến đổi khí hậu diễn ra rất rõ, dòng hải lưu khu vực mũi Cà Mau thay đổi làm vùng biển Tây có những ảnh hưởng nhất định. Vùng này trước đây là bãi bồi nay bỗng dưng bị lở.
Rừng phòng hộ từ các huyện U Minh tới Trần Văn Thời bị đánh bứt, có nơi dạt vào trong 200-500m. Trong khi đó, khu vực cửa biển Khánh Hội trước đây lở kinh khủng, tỉnh lo đầu tư xây kè bảo vệ. Kè xây xong thì biển... bồi trở lại. Mũi lở chuyển qua Rạch Dinh.

----------------------------------------------------
Ba đời ở biển Ba Động, nhà ông Trí xưa muốn đi ra biển phải trèo mỏi giò qua các động cát, rừng dương. Nhưng bây giờ những đêm gió chướng về ông lại thao thức, vì  phải nghe sóng biển ì oạp “nuốt” vào nhà mình...

Nguồn Tuoitre online
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment