Test Footer 2

Một vài nét về ảnh hưởng bồi lấp cửa sông đến sự ra/vào của thuyền vào cảng cá các khu neo đậu trú bão và hướng giải quyết

Bài báo nêu lên tình trạng bức xúc của việc bồi lấp các cửa sông có cảng cá và khu neo đậu trú bão khu vực miền Trung. Đưa ra những nhận định sơ bộ ban đầu về các yếu tố chủ yếu và nguyên nhân gây bồi lấp cửa, cũng như một số tồn tại của các công trình chỉnh trị đã xây dựng. Trên cơ sở đó kiến nghị hướng giải quyết

Tác giả: PGS.TS. Trịnh Việt An - Phòng TNTĐ Quốc gia về Động lực học sông biển

I. TÌNH HÌNH BỒI LẤP CÁC CỬA SÔNG, TÍNH CẤP THIẾT VÀ ĐẶT VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU:
            Việt Nam với 3524 km bờ biển và 89 cửa sông chính đổ ra biển, đã tạo ra một tiềm năng to lớn về tài nguyên và phát triển kinh tế biển, trong khai thác thủy sản là một trong những mũi nhọn quan trọng trong khai thác tài nguyên biển gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền và an ninh vùng biển đảo.
            Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà thiên nhiên mang lại, thì việc khai thác thủy sản phải đối mặt với khó khăn, mà một trong những trở ngại đáng kể là tại một số cửa sông vào cảng cá và khu vực neo đậu trú bão đang bị bồi lấp nghiêm trọng - đặc biệt là khu vực miền Trung (theo như thông báo 1528/TB-BNN-VP ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Có thể thấy sự bức xúc của vấn đề này thông qua hiện tượng bồi lấp ở một số cửa sông điển hình như:
            - Cửa Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn - Bình Định) là nơi ra/vào thường xuyên của 1.400 tàu thuyền là cảng cá lớn nhất tỉnh Bình Định và là một trong những cảng tấp nập nhất miền Trung, luồng dẫn vào cảng thường xuyên bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền dễ bị  sóng lớn hất vào đê chắn sóng làm vỡ, khiến tàu thuyền không giám vào cảng và khu neo trú. Mặc dù năm 2003 Bình Định đã đầu tư >80 tỷ đồng thực hiện việc xây dựng khu neo trú bão tại Tam Quan Bắc với việc xây dựng một đê chắn sóng tại bờ nam dài 850m.
            - Cửa Mỹ Á - xã Phổ Quang huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi hiện cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền ra/vào rất khó khăn và nguy hiểm, mặc dù công trình cảng và khu neo trú vừa được xây dựng và nghiệm thu vào tháng 12/2011 với kinh phí 90 tỷ đồng. Theo phản ánh của ngư dân, sau khi công trình hoàn thành cát vẫn liên tục bồi lấp thậm chí xảy ra tình trạng nhấn chìm tàu của ngư dân. Bởi vậy chỉ có 150 tàu cá <90 CV quay về bến còn hơn 300 tàu cá lớn phải neo đậu ở nơi khác.
            - Cửa biển Sa Huỳnh - huyện Đức Phổ cũng tương tự như các cửa sông trên, từ tháng 9/2009 công trình “Thông biển và xây dựng cảng cá” hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số vốn đầu tư là 30 tỷ đồng, tuy nhiên sau một thời gian ngắn cửa Sa Huỳnh lại bị bồi lấp nghiêm trọng hơn, khiến nhiều tàu cá bị chìm khi ra/vào cửa.
            - Cửa sông Đà Rằng - Phú Yên thường xuyện bị bồi lấp khiến tàu đi không được về không song: Sau tết năm Nhâm Thìn 2012 do cửa bồi lấp mà hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương phải nằm bờ 1 thời gian dài, ngược lại những tàu “no” cá thì không thể vào phải vào các cảng khác như: Vũng Rô, Sông Cầu (Phú Yên) Khánh Hòa, hay Quy Nhơn tốn nhiều thời gian và chi phí.
            - Việc bồi lấp cửa Tùng và xói lở bải tắm “Nữ Hoàng” cũng đã là bức xúc nhiều năm nay của tỉnh Quảng Trị, nhiều ý kiến cho rằng sự bồi lấp thất thường cửa sông Bến Hải do việc xây dựng công trình đê chắn sóng bờ Nam ?
            Ngoài ra hiện tượng bồi lấp các cửa sông và luồng tàu vào cảng và các khu neo trú bão cũng xảy ra tại một loạt các cửa sông miền Trung như: Cửa Đông Hải, La Gi, Phan Thiết, Nhật Lệ …vv.
            Thật vậy, tình hình bồi lấp nghiêm trọng cửa sông tại cảng và các khu neo trú bão của tàu thuyền tại hầu hết các cửa sông đặc biệt là khu vực miền Trung hiện đang trở nên bức xúc hơn bao giờ hết, đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác thủy sản, các hoạt động kinh doanh nghề cá và đời sống của ngư dân.
            Vùng cửa sông là nơi chịu tác động phức tạp của chế độ động lực của cả sông và biển. Không phải bây giờ các cửa sông mới xảy ra hiện tượng bồi lấp mà từ thời xa xưa có thể nói từ khi nó được hình thành. Mặt khác tại hầu hết các cửa sông bị bồi lấp, đại đa số đã được xây dựng các công trình chỉnh trị, vậy thì tại sao hiện tượng bồi lấp vẫn tiếp tục xảy ra thậm chí tàu thuyền ra/vào còn khó khăn hơn.
            Để có thể giải quyết cần phải làm sáng tỏ hai vấn đề:
            - Nguyên nhân, các yếu tố cơ bản gây bồi lấp cửa sông
            - Những vấn đề còn tồn tại của các công trình chỉnh trị đã xây dựng.

II. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ CƠ BẢN GÂY BỒI LẤP CÁC CỬA SÔNG MIỀN TRUNG:
            Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đối với vùng cửa sông ven biển miền Trung trong vòng 15 ÷ 20 năm trở lại đây và kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có tại khu vực có thể nêu lên một số nét cơ bản về đặc điểm điều kiện tự nhiên và nhận định về nguyên nhân bồi lấp các cửa sông miền Trung như sau:
2.1 Một số nét cơ bản về đặc điểm điều kiện tự nhiên và hình thái vùng cửa sông ven biển khu vực miền Trung:
            a) Đặc điểm địa hình:
            Dải ven biển miền Trung là vùng biển hở, trực tiếp với biển. Địa hình bờ biển tương đối phức tạp do sự đâm ngang của các mỏm núi tạo ra các vùng lồi lõm bên cạnh đó là sự xen kẹp của các đầm phá và các vùng vịnh, đã tạo thêm cho sự phức tạp các chế độ động lực và vận chuyển cát ven bờ. Phần bên trong, dải bờ biển cửa sông được nối tiếp với phần địa hình dốc dòng sông nhỏ hẹp dốc mang ít bùn cát.
            b) Thủy triều:
            Dọc theo dải bờ biển miền Trung thủy triều có những biến đổi phức tạp cả về tính chất lẫn độ lớn: Vùng biển Thừa Thiên Huế nằm trong vùng bán nhật triều không đều biên độ chiều thấp, trung bình 0.5 ÷ 0.6m. Càng vào sâu về phía Nam biên độ thủy triều càng tăng lên cũng như đặc điểm cũng thay đổi: Tại Quy Nhơn thủy triều mang tính nhật triều đều biên độ trung bình khoảng 1.5m.
            c) Chế độ sóng:
            Có thể nói sóng là yếu tố động lực chính tại khu vực, hướng sóng thịnh hành chủ yếu nằm trong góc phần tư thứ nhất và thứ hai, theo hai hướng là Đông Bắc và Đông Nam. Dọc theo dải bờ biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận cùng với sự thay đổi hướng của địa hình bờ biển chiều cao sóng cũng có sự thay đổi về sự phân bố cả hướng và độ lớn.
            + Tại vùng biển Thừa Thiên Huế chiều cao sóng trung bình là 0.3 ÷ 1.5m và 7 ÷ 8m khi có bão. Hướng sóng thịnh hành chủ yếu là Đông Bắc, Đông và Đông Nam.
            + Tại vùng biển Quảng Ngãi – Quy Nhơn chiều cao sóng trung bình là 0.8 ÷ 2.2m và 8m trong bão. Hướng sóng thịnh hành chủ yếu là Đông Bắc.
            d) Dòng ven bờ:
            Dọc theo dải ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận dòng ven bờ do sóng khá lớn vào thời kỳ gió Đông Bắc vận tốc dòng ven có thể đạt 0.2 ÷ .03m/s, vào mùa gió Đông Nam vận tốc dòng ven nhỏ hơn từ 0.06 ÷ 0.15m/s. Khi xảy ra bão vận tốc dòng ven >1m có thể đến 1.3m/s.
            e) Vận chuyển bung cát:
            Với các cửa sông miền Trung, nhìn chung lượng bùn cát vận chuyển ra cửa sông là rất nhỏ so với lượng vận chuyển cát ven bờ do sóng và dòng ven do sóng (đây cũng là điều khác biệt cơ bản so với các cửa sông ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long).
            f) Đặc điểm và phân loại hình thái cửa sông miền Trung:
            Theo đặc điểm hình thái cửa sông miền Trung được phân ra hai loại hình thái chính:
            - Cửa sông phẳng có mũi tên cát
            - Cửa sông được hình thành trên dải cát ven biển “Barrier IsLand”
            Theo các kết quả nghiên cứu, nhìn chung các cửa sông được thành tạo trong bão, hoặc lũ và dịch chuyển theo hướng vận chuyển của dòng bùn cát ven bờ. Do đặc điểm tạo thành, nên các cửa sông miền Trung đa phần nhỏ hẹp thường xuyên bị bồi lấp và không ổn định. Cửa sông thường xuyên bị bồi lấp, về mùa lũ cửa sông được mở rộng hơn. Tuy nhiên sự mở rộng bởi dòng lũ là không đáng kể nên bồi lấp vẫn là thuộc tính cơ bản.
2.2 Nguyên nhân và yếu tố cơ bản gây bồi lấp các cửa sông miền Trung:
            Từ các kết quả nghiên cứu đã cho phép nhận định rằng:
            - Sóng và dòng bùn cát dọc bờ do sóng là yếu tố quyết định gây ra sự bồi lấp và chuyển dịch cửa sông.
            - Thủy triều là yếu tố nền cơ bản kết hợp với sóng tạo nên đặc điểm hình thái vùng cửa sông.
            - Bão lũ là các yếu tố động lực tạo ra tính đột biến gây bồi lấp hoặc chọc thủng cửa.
III. CÁC VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHỐNG BỒI LẤP, ỔN ĐỊNH LUỒNG TÀU QUA CỬA SÔNG VÀ MỘT SỐ TỒN TẠI ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH CHỈNH TRỊ TẠI MỘT SỐ CỬA SÔNG MIỀN TRUNG.
            - Cửa sông ra biển là nơi chịu tác động tổng hợp vừa của các yếu tố động lực sông, vừa của các yếu tố động lực biển. Sự chống bồi lấp ổn định luồng lạch qua cửa sông thường liên quan đến ba vấn đề:
            + Lựa chọn tuyến luồng
            + Phương pháp khống chế dòng chảy
            + Bố trí công trình chỉnh trị chống bồi lấp bảo vệ luồng tàu
            Để giải quyết các vấn đề trên, thưởng phải nghiên cứu quy luật diễn biến của các loại cửa sông, chế độ thủy thạch động lực của các cửa sông đó.
            Với các cửa sông bị bồi lấp chủ yếu bởi dòng ven và dòng bùn cát dọc bờ do sông như các cửa sông miền Trung. Biện pháp hiệu quả nhất là xây dựng các đê ngăn cát giảm sóng.
            - Ở nước ta, trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhân dân đã biết lợi dụng cải tạo cửa sông ở mức độ khác nhau. Vào đầu thế kỷ XX, các cửa sông Việt Nam đã được các nhà địa lý, thủy văn người Pháp nghiên cứu như: M. Chassignenx (1918), M.Jacob (1921), M.Normandin (1925), J.Ganthier (1930), P.Gourou (1931).
Hiện nay, những nghiên cứu khoa học vùng cửa sông chủ yếu được thực hiện thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học (cấp Nhà nước, cấp Bộ); các luận văn Tiến sĩ, thạc sĩ; các dự án đầu tư xây dựng.
            - Như đã nêu trên (mục I), hiện nay tình hình bồi lấp cửa sông, đặc biệt là khu vực miền Trung, ngày càng trở nên nghiêm trọng và bức xúc hơn bao giờ hết, đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác thủy sản, các hoạt động kinh doanh nghề cá và đời sống của ngư dân. Hơn nữa, tại đa số các cửa sông miền Trung mặc dù đã có xây dựng các công trình chỉnh trị, nhưng cửa sông vẫn tiếp tục bị bồi lấp, thậm chí tàu ra/vào còn khó khăn hơn so với trước khi xây dựng công trình, sơ bộ có thể thấy do một số nguyên nhân hoặc lý do sau đây:
            1. Bố trí công trình chỉnh trị còn chưa hợp lý:
            - Tại một số cửa như: Tam Quan Bắc, Mỹ Á, Sa Huỳnh, cửa Đà Nông, cửa Tùng ..vv.
            2. Các công trình xây dựng do thiếu vốn đầu tư nên chưa xây dựng đầy đủ như thiết kế:           Ví dụ như cửa Mỹ Á, cửa Tùng…vv.
            3. Các công trình chỉnh trị trước khi đưa ra xây dựng chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa đánh giá đúng được hiệu quả công trình. Mặt khác là sự thiếu hụt và độ tin cậy của các số liệu cơ bản đặc biệt là số liệu về sóng.
IV. KIẾN NGHỊ HƯỚNG GIẢI QUYẾT:
            Vấn đề chỉnh trị chống bồi lấp cửa sông là vấn đề lâu dài, vừa xây dựng vừa nghiên cứu để rút kinh nghiệm và chỉnh sửa bổ xung, điều này đã được minh chứng đối với việc chỉnh trị các cửa sông không chỉ trên thế giới mà cả ở nước ta.
            Trên cơ sở những nhận định sơ bộ ban đầu về đánh giá hiện trạng và nguyên nhân bồi lấp cửa sông luồng tàu nêu trên, kiến nghị thực hiện một số công việc cụ thể như sau:
            - Lập các đề tài, dự án nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật, để xử lý khẩn cấp cho một số cửa sông có cảng cá và khu neo trú khu vực miền Trung, đang bị bồi lấp nghiêm trọng. Trong nghiên cứu cần áp dụng các công nghệ hiện đại như: Mô hình toán, mô hình vật lý. Bên cạnh đó là kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong và ngoài nước.
            - Điều tra cơ bản đánh giá hiện trạng và hiệu quả các công trình chỉnh trị cho các cửa sông có cảng cá và các khu neo đậu tại khu vực miền Trung.
            - Rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho các công trình cảng cá, các khu neo đậu với sự kết hợp đa mục tiêu như : Giao thông thủy, khai thác nuôi trồng thủy sản và thoát lũ.

  Tài liệu tham khảo:

[1]        Trịnh Việt An - đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp KHCN chống bồi lấp, ổn định thoát lũ cửa sông Lại Giang”- Nghiệm thu 2009.
 [2]       Trịnh Việt An, – Nguyên nhân mất ổn định,cơ chế sa bồi luồng tàu và giải pháp công trình để ổn định nâng cấp tuyến luồng cho tầu 10.000 DWT qua cửa Định An- Tạp chí KHCN Thủy lợi  7/2009
[3]        Công ty KBR Astralia, Trịnh Việt An _ “Dự án nghiên cứu khả thi công trình chỉnh trị cửa biển Mỹ Á phục vụ neo trú tầu thuyền trú bão” – 2006- 2007.
[4]        Trịnh Việt An, Trần Đình Bắc, Trịnh Diệu Hương - Khai thác sử dụng kết quả tính sóng nước sâu bằng phương pháp vệ tinh - Báo cáo chuyên đề, đề tài “Nghiên cứu giải pháp KHCN chống bồi lấp, ổn định thoát lũ cửa sông Lại Giang” - 2009.
[5]        Trịnh Việt An- “Dự án quy hoạch chỉnh trị cửa Tư Hiền”- Dự án cấp tỉnh -Nghiệm  thu 2010
 [6]       Nguyễn thọ Sáo - “Điều tra đánh giá xâm thực cửa Tùng Quảng trị”- Dự án cấp tỉnh-Nghiệm thu 2010
 [7]       GS. TS. Lương phương Hậu
   Động lực học và công trình cửa sông – NXB Xây Dựng tháng 8/2005.
 [8]       Hayes, M. O. 1979. “Barrier Island Morphology as a Function of Tidal and Wave Regime,” Barrier Islands from the Gulf of St. Lawrence to the Gulf of Mexico, S. P.Leatherman, ed., Academic Press, New York, pp 1-27.
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment