Test Footer 2

Về ứng phó với biến đổi khí hậu


Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên hành tinh là một hiện tượng toàn cầu. Tất cả các nước đều chịu tác động của nó, bất luận nguồn gốc phát sinh từ nước mình hay từ nơi khác trên trái đất.
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế sự phát triển và các tác hại của nó do vậy đòi hỏi một nỗ lực chung toàn cầu, và riêng tại mỗi quốc gia.
1. Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Durban 2011
Theo số liệu đo đạc, trong 150 năm qua nhiệt độ trung bình toàn cầu có xu hướng tăng và ngày càng nhanh. Nguyên nhân của hiện tượng này còn đang được tranh luận, nhưng có một sự tương quan chặt giữa sự ấm lên với lượng các khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Vì lẽ đó Nghị định thư Kyoto (NĐT) đã ra đời ngày 11.12.1997 và có hiệu lực kể từ ngày 16.12.2005(1) quy định trách nhiệm của các quốc gia trong việc cắt giảm việc phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Giai đoạn 1 của NĐT hết hiệu lực năm nay, 2012. Việc tuân thủ NĐT khá lỏng lẻo. Hoa Kỳ ký nhưng không phê chuẩn. Canada tuyên bố ý định rút khỏi NĐT.
Trong bối cảnh đó, trước những biểu hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng dồn dập, ở khắp các châu lục và đại dương, với sức tàn phá ngày càng khốc liệt, các hội nghị COP 15 Copenhagen, COP 16 Cancún, và COP 17 Durban gần đây, đã ra sức xây dựng một văn bản thay thế có tính ràng buộc và hiệu lực hơn, nhất là đối với các nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính chính.
Vấp phải mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia và thái độ không thỏa hiệp của một số nước, một văn bản như vậy vẫn chưa ra đời được. Thỏa thuận Durban vào giờ chót, ngày 11.12.2011, chỉ xác nhận được rằng tất cả các quốc gia thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính chấp nhận tham gia vào một hiệp ước toàn cầu về giảm bớt sự phát thải, hiệp ước này được hình thành chậm nhất từ nay đến năm 2015, và sẽ có hiệu lực vào năm 2020.
Khung khổ pháp lý của các cam kết sẽ còn phải được xác định, cho nên thỏa thuận Durban mở ngõ cho nhiều cách hiểu, tùy theo mỗi nước(2).
Sự lỏng lẻo và mù mờ này tương phản với những cảnh báo không thể rõ ràng hơn: “Thế giới đang ở trên một quỹ đạo dẫn đến mức gia tăng (nhiệt độ bình quân toàn cầu) cao hơn 30C với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng”(3); “Quỹ đạo phát thải khí hiệu ứng nhà kính toàn cầu hiện nay đang đưa đến một mức ấm lên từ 2,5 đến 50C(4); “Gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ là 60C nếu các chính phủ không đổi hướng phát thải trước năm 2017”(5).
Sự thất vọng và bất bình do vậy rất dễ được chia sẻ: “Có thể tóm lược, Durban là một sự thất vọng khổng lồ” (OXFAM); “Durban kết thúc như nó đã bắt đầu, bằng một sự thất bại. Các chính phủ, vì đã nghe các tác nhân gây ô nhiễm thay vì nghe dân, đã thất bại trong việc tăng cường các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu” (GREENPEACE); “Các nhà đàm phán hoàn toàn thoát ly với thế giới thực, không hay biết những gì đang xảy ra bên ngoài: các chuỗi mắc xích hạn hán, lũ lụt, và bão tố cực đoan. Nếu các quốc gia không muốn nâng lên mức cam kết của họ tại Durban, ít nhất họ cũng phải nói với chúng ta khi nào họ sẽ làm điều đó. Chờ đến sau 2020 là vô trách nhiệm.” (WWF, Samantha Smith).
2. Sôi động nhưng cần một chương trình hành động cụ thể và tổng thể
Tại nước ta, chương trình hành động của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (CTMTQG) mà Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban chỉ đạo(6) cho thấy việc ứng phó với biến đổi khí hậu được xem không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của cả xã hội.
Trong các năm qua, nhiều hội nghị quốc tế và quốc gia đã được tổ chức. Ý thức về sự cần thiết hướng tới một nền kinh tế xanh, một nền nông nghiệp sạch, một nền công nghiệp phát thải thấp, đang từng bước thấm dần trong xã hội. Chính phủ nhiều nước đã hứa hẹn, và trên thực tế đã bắt đầu, hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở đồng bằng sông Cửu Long các ngành, các cấp tích cực đưa ra những ý tưởng, dự án công trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên sau ba năm triển khai QĐ 158, cái được chờ đợi là một chương trình hành động cụ thể và tổng thể có phối hợp và có lịch trình, trong đó cái cần gấp là một chương trình KHCN cung cấp cơ sở khoa học cho chương trình hành động đó và cho những quyết định của Ban chỉ đạo CTMTQG.
Qua việc triển khai trong thời gian qua, cách tiếp cận để giải quyết các bài toán mà biến đổi khí hậu đặt ra, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, cần được xem lại một cách nghiêm túc. Tại sao?
Trong lĩnh vực thủy lợi, một phương án đã được Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam lựa chọn để đề xuất với Ban Chỉ đạo Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu – mực nước biển dâng. Trong phương án này, dọc bờ trái sông Tiền từ Hồng Ngự đến Cao Lãnh và dọc bờ phải sông Hậu, từ Châu Đốc đến Long Xuyên, dự kiến sẽ có các cống tại đầu các kênh trục. Tại các cửa của bảy sông lớn trổ ra biển Đông và tại các cửa sông Cái Lớn, sông Cái Bé trổ ra Vịnh Thái Lan, một hệ thống cống lớn cũng sẽ được xây dựng.
Tổng cục Thủy lợi thì đề xuất ý tưởng đê quai lấn biển Vũng Tàu – Gò Công nhằm giải quyết vấn đề ngập cho TP Hồ Chí Minh, biến bên trong đê thành hồ nước ngọt, và rút ngắn giao thông bộ giữa Vũng Tàu và ĐBSCL.
Mặt khác, trong lúc đang tìm cách ứng phó, hạn chế các tác hại của biến đổi khí hậu mà bờ biển và các cửa sông là đối tượng hàng đầu, lại có những dự án công trình đang được triển khai, can thiệp khá thô bạo đến vùng duyên hải và bờ biển. Xin đơn cử vài ví dụ.
Dự án luồng nhân tạo Kênh Quan Chánh Bố cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, đào Kênh Tắt cắt ngang huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh, mở ra một cửa sông mới, đã được triển khai trong lúc luồng thiên nhiên qua Cửa Định An tồn tại đã nhiều ngàn năm nay được nạo vét cầm chừng.
Để tạo nền cho nhà máy nhiệt điện tại Trà Vinh, không xa đầu Kênh Tắt, nhà thầu đã chọn cách thổi cát từ bãi triều huyện Duyên Hải, tạo nên một hố sâu làm thay đổi dòng chảy biển ven bờ, tác động mạnh đến đường bờ.
Với danh nghĩa làm du lịch sinh thái, trong thời gian qua khá nhiều nhà nghỉ, nhà hàng bằng bê-tông đã được xây dựng trên những bãi triều mới được bồi, đất còn “chưa có chân”.
Các dự án công trình ứng phó với biến đổi khí hậu nói trên có mấy đặc điểm chung: (a)kinh phí rất cao, nhiều công trình có khái toán ban đầu lên đến hàng ngàn, thậm chí nhiều chục ngàn tỷ đồng; (b) can thiệp mạnh lên môi trường tự nhiên; (c) chỉ mới được mô phỏng sơ bộ bằng mô hình số chủ yếu về thủy lực và độ mặn; (d) tính khả thi và tác động đến môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội còn chưa rõ và chưa được bảo vệ đúng theo luật định, kể cả các dự án công trình đang được thi công.
Với những dự án công trình, ý tưởng trên, liệu đồng bằng sông Cửu Long, châu thổ của một con sông, sẽ còn là nó hay không, và sẽ ra sao khi mà ở một đầu, nguồn nước đang bị khai thác mãnh liệt từ thượng nguồn với nguy cơ nước bị chuyển lưu vực, dòng chảy tự nhiên theo trọng lực bị thay thế bằng một chuỗi đập thủy điện, làm cạn kiệt phù sa và nguồn thủy sản, và ở đầu kia, về phía biển, mực nước đang dâng?
Không thể mỗi ngành tác chiến riêng lẻ. Giải quyết từng vấn đề của ĐBSCL nhưng phải trong tổng thể của đồng bằng. Cần thiết phải hiểu đầy đủ nội hàm của biến đổi khí hậu (BĐKH) và tiếp cận đúng việc ứng phó với nó.
Hiển nhiên BĐKH trước tiên là biến đổi của các giá trị trung bình nhiều năm về mưa, nắng, nhiệt độ, và thời điểm xuất hiện được thống kê từ nhiều thập niên qua. Nhưng BĐKH còn là những thay đổi về bão, về triều cường và về sự thất thường không theo quy luật, là những tình huống cực đoan, những trận mưa rất to và những đợt mưa, đợt hạn kéo dài. Bão Washi vừa qua là một ví dụ.
BĐKH diễn ra không phải tức thì, mà tiệm tiến, nhanh dần(7), với những trường hợp thất thường và cực đoan, chưa dự báo dài ngày trước được. Điều này là một thách thức lớn đối với việc ứng phó với BĐKH, sẽ được đề cập sau đây.
BĐKH ở ĐBSCL lại chồng lên một mối tương quan giữa hai quá trình sông và biển giao thoa và cân bằng với nhau tại đây từ cả ngàn năm qua. Nhấn mạnh điều này để nhớ rằng hậu quả của BĐKH ở đồng bằng này còn đến từ nguồn  từ biển.
Yêu cầu đối với ứng phó là gìn giữ tối đa thành quả của lao động quá khứ, sinh mạng, tài sản và đời sống của nhân dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, và môi trường vì sự phát triển bền vững.
Có ba cách ứng phó phổ biến đã được tổng kết: bảo vệ, thích nghi và rút lui, tùy theo tình huống cụ thể phải đối mặt. Không có một cách ứng phó duy nhất cho mọi đối tượng, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi phương án BĐKH và MNBD.
Ứng phó còn là không có những hành động làm tăng thêm xâm thực của biển, như triệt hạ rừng ngập mặn, xây dựng khách sạn, nhà hàng trên vùng đất chưa ổn định, cào cơ giới bãi triều để khai thác nghêu giống, hút cát bãi triều để tôn nền cho khu dân cư mới, cho nhà máy nhiệt điện, v.v...)
Ứng phó còn là giảm thiểu các tác nhân gây nên BĐKH, cụ thể là giảm thiểu phát thải khí hiệu ứng nhà kính, như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sạch, công nghiệp ít phát thải.
Cuối cùng, và phức tạp hơn cả, ứng phó với BĐKH còn là quản lý tốt các tình huống thất thường và cực đoan.
3. Cần một cách tiếp cận đúng trong quy hoạch việc ứng phó với BĐKH
Tiếp cận việc ứng phó như thế nào để chỉ can thiệp mạnh lên môi trường tự nhiên khi thật sự cần thiếát, bảo vệ các hệ sinh thái vốn có, và đầu tư đạt được hiệu quả cao?
Các cách ứng phó trên đây nếu được kết hợp với nhau sẽ nhân hiệu quả của nhau lên, và giúp người làm quy hoạch tìm ra cách ứng phó tối ưu toàn cục, chứ không phải tối đa từng ngành. Tư tưởng kết hợp do vậy cần được quán triệt và thể hiện trong quy hoạch việc ứng phó với BĐKH.
Quản lý tốt các tình huống cực đoan đặt ra yêu cầu trước tiên cần làm rõ: Tình huống cực đoan có nguồn gốc duy nhất từ thiên nhiên hay còn có tác nhân trực tiếp của con người, và tác nhân này chiếm tỉ trọng ra sao(8)?
Chỉ cần điều chỉnh tác nhân con người là giảm bớt mức độ cực đoan phải ứng phó. Nói cách khác, sự điều chỉnh này là giải pháp ứng phó mềm, ít tốn kém hơn và nhất là ít can thiệp thô bạo vào môi trường tự nhiên vốn tuân theo những quy luật của nó, khác với cácgiải pháp cứng, ứng phó bằng những công trình quy mô.
Loại ra phần tác nhân con người vừa đề cập, khi quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL cần trả lời các câu hỏi: (a) tần suất xảy ra tình huống cực đoan là bao nhiêu, hậu quả là gì, có khắc phục được hay không? (b) Xem biện pháp công trình cực đoan, giả thiết rằng nó khả thi, là giải pháp cuối cùng cần đến, có những giải pháp ứng phó nào khác hay không, riêng lẻ và kết hợp? (c) Tác động của mỗi giải pháp lên môi trường trước mắt và lâu dài ra sao? (d) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tác động của sông Mêkông từ thượng nguồn về và từ biển vào, mà mực nước chắc chắn sẽ dâng trong những thập kỷ tới, hiệu lực và sự tồn tại của các công trình đó (tuổi thọ) có lâu bền hay không?
Giữa lúc theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, hiệu quả đầu tư công phải là một mệnh lệnh từ nay về sau, thông tin về các dự án công trình phải được công khai và minh bạch, kể cả việc cân đối nguồn lực và các thời điểm cung ứng, để nhận được sự phản biện và góp ý cần thiết.
Cách tiếp cận như trên còn xuất phát từ thái độ khoa học khi can thiệp vào tự nhiên khi còn chưa rõ phản ứng lại của môi trường. Tránh những sai phạm không thể sửa chữa được, ứng phó thân thiện với môi trường chính là vì sự phát triển bền vững.
___________________________________________

1. Nghị định thư Kyoto đã được 191 quốc gia và EU ký và phê chuẩn. Hoa Kỳ đã ký nhưng không phê chuẩn.
2. Xem tài liệu từ trang web của COP 17.
3. Climate Action Tracker, Durban Agreements a step towards a global agreement, but risk of exceeding 3C-warming remains – scientists. 11.12.2011.
4. Báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) tại Durban.
5. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
6. Xem Quyết định số 158/2008-QĐ-TTg ngày 02.12.2008, Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
7. trong quỹ đạo phát thải khí hiệu ứng nhà kính toàn cầu hiện nay.
8. Tác giả muốn nói đến tình trạng ngập sâu, lũ rút chậm ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên năm 2011.
Download Tại đây
Gs.Tskh. Nguyễn Ngọc Trân

Theo DBND
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment