Test Footer 2

Sử dụng năng lượng mặt trời: Cấp nước ngọt và điện cho cư dân hải đảo


Nước ngọt và điện năng cung cấp cho hàng chục ngàn dân cư trên các đảo lớn nhỏ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đi sâu nghiên cứu những công trình khoa học công nghệ phục vụ dân sinh, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học năng lượng (Bộ KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn công nghệ sản xuất đồng thời nước ngọt và điện từ nguồn năng lượng mặt trời rất thích hợp với điều kiện đặc thù thời tiết và khí hậu của Việt Nam.


Hệ thống chảo thu động cơ Stirling

Tình hình khô hạn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là khu vực hải đảo. Tại một số huyện đảo, khi hầu hết các con suối, giếng đào đều đã cạn khô, người dân phải mua nước chở từ đất liền ra với giá 150.000 - 160.000 đồng/m3. Một số người dân cho biết, dù giá nước khá đắt đỏ nhưng không phải lúc nào cũng mua được. Có khi phải chờ 1-2 ngày mới có ghe đến đổi.

Nghiên cứu một hệ thống máy phát điện bằng năng lượng mặt trời vừa cung cấp điện cho việc vận hành Nhà máy lọc nước ngọt, vừa cấp điện cho mục đích dân sinh khác là vấn đề mà nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học năng lượng thực hiện nghiên cứu trong bối cảnh sử dụng năng lượng tái tạo để xử lý nước biển qua quá trình khử muối tại các nước có tiềm năng đang là xu thế hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy khu vực từ miền Trung Việt Nam trở vào có điều kiện bức xạ nhiệt rất tốt cho việc ứng dụng công nghệ này.

Để có được một hệ thống máy lọc nước biển có công suất khoảng 200m3/ngày đêm như hệ thống máy lọc và phát điện vừa được lắp đặt trên đảo Lý Sơn tháng 8 vừa qua, cần phải đầu tư số tiền trị giá 400.000 USD. Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống lọc nước này còn rất phụ thuộc vào nguồn điện của 2 chiếc máy phát mà chi phí cho nó không hề nhỏ (2 máy phát điện trị giá 100.000 USD).

Ông Nguyễn Hải Bắc, trưởng nhóm nghiên cứu hệ thống máy phát điện bằng năng lượng mặt trời vừa cung cấp điện cho việc vận hành Nhà máy lọc nước ngọt, vừa cấp điện cho mục đích dân sinh cho biết: Chúng tôi đã chọn quy mô xử lý (khử muối) điển hình là 1200m3/ngày, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho cụm dân cư trên đảo khoảng 10.000 người với điều kiện bức xạ mặt trời tương tự khu vực Đà Nẵng.

"Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp các công nghệ lọc nước biển trên thế giới, hai công nghệ lọc nước biển đáng tin cậy là công nghệ thẩm thấu ngược (RO) và nén hơi (VC) đã được lựa chọn để so sánh về tiềm năng cũng như giá thành sử dụng. Điện năng sẽ được cung cấp từ hệ hống Chảo thu - động cơ Stirling hoặc Nhà máy điện mặt trời, có nghiên cứu đến trường hợp điện phát sinh từ quá trình sản xuất được nối lưới”, ông Bắc nói. Với các nhà máy quy mô nhỏ, tấm pin mặt trời thường được sử dụng để chuyển đổi bức xạ trực tiếp thành điện, do chi phí pin mặt trởi hiện đã khá rẻ (còn khoảng 4 USD/tấm) do vậy việc khử muối biển có thể sử dụng cả hệ thống Chảo thu động cơ Stirling hoặc pin mặt trời để tạo dòng diện.

Hệ thống Chảo thu - động cơ Stirling gồm có các thành phần chính là : Chảo lớn tập trung bức xạ Parabol; bộ trao đổi nhiệt mặt trời; Động cơ Stirling và máy phát điện cùng hệ thống theo dõi.

Hệ thống điện mặt trời tập trung gồm có dàn pin mặt trời nối với máy biến áp, đồng hồ đo đếm và nối đến lưới điện địa phương.

Nhìn chung cả hai mô hình dùng nguồn năng lượng mặt trời đều có chi phí thấp hơn rất nhiều và không cần nguyên liệu đi kèm như máy phát. Tuy nhiên nhược điểm của cả hai mô hình là phụ thuộc tự nhiên nên thiếu ổn định, trong khi khử muối là quá trình được thiết kế vận hành ổn định, liên tục. Do vậy việc sử dụng điện trong quá trình khử muối cần có nguồn tích trữ (như ắc quy). Nguồn năng lượng khai thác từ mặt trời dư thừa sẽ được cấp vào lưới hoặc nạp vào nguồn tích trữ. Nguồn tích trữ này sẽ được cấp cho quá trình khử muối khi bức xạ mặt trời giảm hoặc không có vào ban đêm.

Trong quá trình chạy thử với quy mô và điều kiện tính toán điển hình cho thấy, công nghệ thẩm thấu ngược (RO) có chi phí rẻ hơn, điện năng tiêu thụ ít hơn công nghệ nén hơi (VC) và đây cũng là lựa chọn số 1 cho quy trình công nghệ sản xuất điện kết hợp lọc nước biển. 

DDK
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment