Test Footer 2

Cửa biển Tam Quan: Xây kè để… nạo vét

Cảng Tam Quan, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định là một trong những cảng cá lớn nhất miền Trung với hàng nghìn tàu thuyền, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định và các địa phương lân cận thường xuyên ra vào. Thế nhưng giờ đây, cửa biển Tam Quan dường như đang trở thành “cửa tử”, khiến cho cảng “chìm trong vắng lặng”.
 
Việc cửa biển Tam Quan bị bồi lấp trở thành nỗi lo của nhều ngư dân.
“Tắc đường” trên... biển
Trong những năm qua, khu vực cửa biển Tam Quan được đầu tư nhiều mặt, nhằm phát huy được lợi thế của một cảng cá bậc nhất miền Trung. Dự án khu tránh trú bão tàu thuyền tại cảng Tam Quan Bắc, được tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng hơn 80 tỉ đồng năm 2003, trong đó có một kè chắn sóng dài hơn 800m từ cảng cá ra cửa biển, cùng với hàng ngàn trụ neo tàu, tạo thành một dòng sông nhỏ nối liền cảng cá với biển. Khu neo đậu tàu thuyền trú bão Tam Quan được khởi công xây dựng và nạo vét luồng tàu từ tháng 9-2007 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2009. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, khu vực cửa biển Tam Quan bị bồi lấp đã gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào khiến rất nhiều tàu bị mắc cạn, sóng đánh chìm, bị gãy chân vịt, bánh lái khi ra vào cửa biển.
Theo các ngư dân, trước mỗi chuyến đi biển, một tàu chuẩn bị phí tổn từ 100 – 200 triệu đồng, nhưng nhiều lúc phải hoãn lại, khi tất cả đã sẵn sàng. Những ngày cuối năm 2011, hàng chục tàu câu mực dù đã đủ dầu, đá, lương thực, lao động nhưng phải nằm chờ phía trong cửa biển Tam Quan Bắc do nước cạn, sóng lớn, cát bồi lên cao khiến các tàu không thể ra biển. Nhất là mỗi khi có gió mạnh, hầu hết các tàu đều không dám chạy vào, vì sợ bị sóng đánh hất vào bờ kè. Theo lý giải của ngư dân, trước đây, tàu thuyền ra vào cửa Tam Quan Bắc bình thường, gặp khi nước cạn, vẫn có thể cho tàu lách luồng mà đi, nhưng sau khi có kè chắn sóng 800m, cùng với vách núi đã khiến đường dẫn từ cửa biển vào khu tránh trú bão trở thành một con lạch hẹp. Do đó, khi sóng từ biển ập vào gặp “chướng ngại vật”, chỗ cạn đó càng trở nên hung dữ. Mỗi khi tàu thuyền chạy vào tránh bão rất dễ bị sóng đánh tung vào kè, gây hư hỏng, lật tàu. Đã từng xảy ra chuyện, trời mưa bão, tàu chạy vào tránh bão, qua cửa Tam Quan bị mắc kẹt, thế là rất nhiều tàu khác đành đứng ở ngoài vì chiếc tàu mắc kẹt đó.
Manh nha “cửa tử”
Chỉ tính riêng tháng 10-2011, đã có 4 tàu cá ngư dân liên tiếp mắc cạn tại khu vực cửa biển Tam Quan, trong đó 2 tàu bị sóng đánh hư hỏng hoàn toàn, 2 tàu khác bị nước phá hư hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Cụ thể: Ngày 20-10-2011, tại cửa biển Tam Quan, tàu cá mang số hiệu BĐ 95643-TS của ông Nguyễn Công Định, ở thôn Tăng Long 1, xã Tam Quan Nam, trên tàu có 10 lao động vừa xuất bến đi đánh bắt cá ngừ đại dương, mới ra gần hết cửa biển Tam Quan thì bị mắc cạn và bị sóng lớn đánh lật tàu. Không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ ngư cụ, phương tiện hành nghề, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu phục vụ cho chuyến biển dài ngày của tàu đã bị sóng biển nhấn chìm.
Trước đó, vào đầu tháng 10-2011, tàu cá BĐ-96504 TS của ông Nguyễn Gọn (ngụ xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) sau chuyến đi câu mực trở về, khi vừa vào cửa biển đã bị sóng đánh đâm vào bờ kè. Chiếc tàu với máy móc bị chìm hẳn, 3 ngư dân trên tàu bị thương nặng. Ông phải tiêu tốn mấy chục triệu đồng thuê người trục vớt lên, nhưng chiếc tàu chỉ còn là đống gỗ và sắt vụn. Vậy là giờ đây, nhiều tàu cá sau khi bơm dầu, lấy đá để ra khơi lại phải thuê 1 tàu khác (không chở hàng) với giá 500 nghìn để “kéo” ra khỏi cửa biển. Mỗi khi có bão, nhiều tàu có công suất lớn phải chạy ra huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) hoặc vào cảng Quy Nhơn (Bình Định) tìm chỗ tránh bão. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã về cảng Đề Gi, Quy Nhơn để bán hải sản, thay vì về Tam Quan như trước.
Người dân lên tiếng, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh và chính quyền đã vào cuộc để “giải cứu” cảng Tam Quan. Ngày 20-7-2011, lãnh đạo UBND Bình Định đã làm việc với các ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương để bàn biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Tam Quan. Trước mắt, tỉnh Bình Định giao cho UBND Tam Quan Bắc làm chủ đầu tư tiến hành hợp đồng thuê các đơn vị thi công nạo vét khoảng 10.000m3 đất cát bồi lấp cửa biển với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có trách nhiệm, yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế công trình khu neo đậu tàu thuyền tránh bão tại cửa biển Tam Quan, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp tại cửa biển này để trình UBND tỉnh xem xét quyết định đầu tư kinh phí nạo vét tiếp theo. Giữa năm 2011, với hơn 800 triệu đồng, xã Tam Quan Bắc tổ chức thuê nạo vét, khơi sâu luồng lạch. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, cửa biển Tam Quan Bắc lại bị bồi lấp nghiêm trọng hơn. Hiện, cơ quan chức năng tổ chức cắm phao cảnh báo tại những khu vực bị cát bồi lấp nguy hiểm. Đã bước sang năm 2012, ngư dân đã bắt đầu một năm đi biển mới nhưng vẫn phải đối mặt với khó khăn cũ.
Vậy nên, cần sự “mạnh tay” hơn nữa với “cửa tử Tam Quan”.
Theo  bienphong

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment